CÁCH SỐNG TỰ TẠI Ở ĐỜI.


Xã hội hiện nay thật giả lẫn lộn, lòng người trắng đen khó đoán. Người
thật sự có trí tuệ sẽ không sống quá khôn ranh, suốt ngày mưu toan các kiểu,
mà tập lấy sự “khù khờ” để giữ gìn sự lương thiện và tránh xa những cuộc
đấu tranh không hồi kết.
Khù khờ là một loại độ lượng, dĩ hòa vi quý, có thể xem nhẹ mọi
chuyện. Làm người, có thể tha thứ được cho ai thì nên tha thứ, có thêm một
người bạn, chính là có thêm một con đường.Bao dung người khác, cũng là
vì mình mà lưu giữ ân tình. Biển chứa trăm sông, bởi vì bao dung mà trở
thành rộng lớn. Người có bao dung, thì mưu sự mới dễ thành.
Bình thường hồ đồ một chút, cho người khác một khoảng không gian,
cũng là cho mình một bầu trời rộng lớn.Đương nhiên, biểu hiện ra có thể hồ
đồ, nhưng trong nội tâm cần rõ ràng minh bạch, lúc nào cũng phải điều
chỉnh chính mình, phóng tầm mắt ra xa, đừng nhắm vào khuyết điểm của
người khác, phải hiểu được chịu thiệt một chút mới đắc được những thứ to
lớn.
Thực ra cuộc đời một con người đơn giản như vậy đấy. Bạn vui một
chút, thì sẽ ít buồn hơn một chút. Bạn ngủ thêm một chút, khi tỉnh giấc rồi
sẽ thấy sảng khoái hơn một chút. Làm một người đơn thuần nhất, thì sẽ trải
nghiệm được quãng đời hạnh phúc nhất.
Mặc kệ ngoài kia có những người lòng dạ đa đoan, ta cứ sống đơn giản
như ta muốn. Bởi cuộc đời ngắn ngủi, biết vừa lòng thỏa chí mới thong dong;
Cuộc sống bộn bề, biết khù khờ một chút mới tự tại…
Sưu tầm.

CUỘC ĐỜI ĐÂU CẦN GÌ NHIỀU


Đời người, nói dài cũng không quá dài, nói ngắn cũng không phải là quá
ngắn. Khỏe mạnh chính là điều cần thiết nhất, cứ sống khờ khạo một chút,
phóng khoáng một chút, vui vẻ một chút, như vậy là đã đủ rồi!
Có nhiều thứ, đừng đợi đến lúc mất đi rồi mới bắt đầu hối tiếc. Lúc khỏe
mạnh, chúng ta chưa từng biết quý trọng, vẫn thường cho bản thân là tráng
kiện mà không biết bảo vệ, giữ gìn.
Nhưng có những thứ, một khi đã mất đi, mới hiểu được giá trị của nó,
mới thấy trân quý nó.
Đời người, khờ khạo một chút, để cho lòng mình được thảnh thơi. Việc
lớn thì cần rõ ràng minh bạch, những việc nhỏ thì có thể mắt nhắm mắt mở
cho qua. Đây cũng là cách hành xử người thông minh.
Cuộc sống vốn ngắn ngủi nhưng lại lắm khổ đau, vậy nên, hãy cứ vui vẻ,
quý trọng cuộc sống của mình, quý trọng sinh mệnh của mình, hưởng thụ
cuộc sống của mình.
Hãy để cho trái tim tự do bay lượn, quên đi tất cả những yêu ghét vui
buồn, làm một người vui vẻ. Đừng lãng phí thời gian đi hận những người
không đáng hận.
Người sống trên đời, không thể không yêu không hận, cũng không sao
tránh khỏi những mâu thuẫn. Nhưng chỉ cần bạn suy nghĩ một chút, người
kia có đáng để bạn oán hận hay không?

  • Có một người tri kỷ, cùng bạn vượt qua những khoảnh khắc cô đơn.
    Những khi lạc lõng, có thể tìm được người để tâm sự; trong lúc phiền não,
    có thể có người ở bên cạnh, sưởi ấm tâm hồn.
  • Có được một người bạn, hơn nữa còn là tri âm tri kỷ chính là tài phú.
    Một người dù giàu có đến đâu, nhưng không có đến một người bạn, thì cũng
    thật đáng thương, mà tìm được một người tri âm tri kỷ thì khó càng thêm
    khó.
  • Chúng ta biết rằng dục vọng, ham muốn của con người là vô hạn. Người
    xưa có câu: “Người không biết đủ giống như con rắn muốn nuốt cả con voi”,
    nuốt không được cũng lại không muốn nhả ra. Trong cuộc sống, chúng ta có
    thể bắt gặp rất nhiều người bị “danh và lợi” thắt chặt. Họ mãi truy đuổi, một
    khắc cũng không dừng, có thứ này lại muốn thứ khác, có rồi lại muốn cái
    mới hơn.
    Một điều rất hiển nhiên rằng dục vọng của con người là hoàn toàn không
    thể thỏa mãn được. Nếu một mực cưỡng cầu thì nhất định sẽ sinh ra phiền
    não. Con người sống truy cầu danh lợi vốn là để được hạnh phúc, vui vẻ,
    nhưng rất nhiều người vì truy cầu không được lại đánh mất niềm vui, niềm
    hạnh phúc vốn có của mình. Đây đúng là cái vòng luẩn quẩn của đời người.
    Tôi chỉ có thể nói cho bạn biết, không cần phải lãng phí thời gian quý giá
    của mình, để đi oán hận một người không đáng. Hận một người không xứng
    đáng, đó là việc làm xuẩn ngốc nhất trên đời.
    Có thể thấy rằng, tâm biết đủ quan trọng đến mức nào đối với sinh mệnh
    của một người. Suy cho cùng: “Cao ốc ngàn gian, đêm nằm ngủ cũng không
    quá hai mét, ruộng tốt vạn khoảnh, ngày ăn cũng không quá ba bữa”, hà cớ
    gì người ta phải truy cầu nhiều thứ như vậy? Huống chi, tiền tài dù nhiều
    đến mấy, chức vị dù cao đến đâu đi nữa cuối cùng đến lúc sinh mệnh lìa đời
    thì đâu còn ý nghĩa gì.
    Có tâm biết đủ là quý trọng những gì có ở hiện tại. Chúng ta đừng nên
    nghĩ mình thiếu những gì mà nên nghĩ nhiều về những thứ mình đã có. Nếu
    không quý trọng, thì những thứ đang có hiện tại cùng rời bỏ chúng ta mà đi.
    Cách tránh được tai họa chính là coi trọng phúc phận mình đang có. Ví như
    sinh mệnh và sức khỏe là tài phú lớn nhất của mỗi người nhưng mọi người
    lại thường xem nhẹ, đến lúc sắp mất đi rồi mới thấy hối tiếc thì đã muộn mất
    rồi.
    Cho nên, khi rơi vào cảnh “đại nạn không chết, bệnh nặng mà khỏi” thì
    sẽ khiến con người cảm nhận rõ rệt được niềm hạnh phúc tăng lên gấp bội.
    Trái lại, không biết đủ mà tham lam sẽ dễ dàng bị lầm đường lạc lối, khiến
    tai họa “không nên có” ập đến lúc nào không hay.
    Mây Vô Danh

Đừng Đồng Hóa Hạnh Phúc Của Bạn Với Những Vật Ngoại Thân


Tôi có một cô bạn là mẫu người phụ nữ ‘hoàn hảo’. Cô tốt nghiệp trường
Đại học danh tiếng, lấy chồng là trí thức, cơ ngơi khá giả, có hai con trai
ngoan ngoãn đáng yêu. Cô khoẻ mạnh và tương đối ưa nhìn, được nhiều
người ngưỡng mộ. Vì lẽ đó, cô luôn hài lòng với cuộc sống của mình và nói
rằng mình thật hạnh phúc.
Một ngày, cô dừng chân ở góc chợ, trước một bà lão ăn mày tật nguyền
gầy gò ốm yếu, thả mấy đồng lẻ vào chiếc nón của bà, và nói với giọng ái
ngại:
“Thật khổ cho cụ quá!”.
Bất ngờ, bà cụ đáp lại cô bằng nụ cười ấm áp:
“Tôi không hề cảm thấy khổ, ngược lại tôi thấy mình hạnh phúc. Thế còn
cô, cô có hạnh phúc không?”
Cô bạn tôi không đắn đo mà trả lời rằng: “Có ạ, con rất hạnh phúc”.
Thế rồi cô kể cho bà cụ nghe về cuộc sống hạnh phúc lý tưởng của mình.
Sau khi nghe cô kể xong, bà cụ khẽ hỏi:
“Nếu không có hai cậu con trai, cô có còn hạnh phúc nữa không?”
Cô bạn tôi hơi bất ngờ vì câu hỏi đường đột của bà cụ không quen biết,
nhưng vì kính trọng người già nên cô vẫn trả lời.
“Con vẫn hạnh phúc vì có chồng yêu thương. Dù không có con cái, con
vẫn có anh ấy làm chỗ dựa”.
“Nếu cô độc thân, không gia đình thì sao?”
“Con vẫn hạnh phúc vì có sự nghiệp thuận lợi. Con có thể dành mọi thì
giờ để phấn đấu trong sự nghiệp, thành đạt hơn nữa và trở thành người có
ảnh hưởng trong xã hội”.
“Vậy nếu cô độc thân và thất nghiệp, hoàn cảnh túng thiếu?”
“Con vẫn hạnh phúc vì con có sức khoẻ. Có sức khoẻ, con sẽ làm được
mọi thứ, gây dựng sự nghiệp từ hai bàn tay trắng và vẫn đủ thời gian tận
hưởng cuộc sống này”.
Bà lão ăn xin tiếp tục hỏi:
“Vậy nếu cô độc thân, thất nghiệp, lại ốm đau, bệnh tật, cô còn hạnh phúc
nữa hay không?”
“Thế thì…”
Lúc bấy giờ, cô bạn tôi chợt ngây người ra, cảm giác hụt hẫng như rơi vào
một hố sâu vô tận.
Nếu viễn cảnh ấy xảy ra… cô không biết mình có còn yêu đời, tự tin, mãn
nguyện, ‘hạnh phúc’ như thế này không nữa?
Bà cụ thủng thẳng nói:
“Lúc này cô không còn hạnh phúc nữa phải không? Điều đó chứng tỏ
‘hạnh phúc’ của cô đến từ sức khoẻ, thành công và tình cảm gia đình. Khi
những thứ này không còn thì hạnh phúc của cô cũng không còn. Vậy thì, cô
đâu có nắm bắt được hạnh phúc trong tay?”
Đôi mắt cô bạn tôi chợt loé lên điều gì. Cô hỏi bà cụ ăn mày đặc biệt nhất
mà cô từng gặp ấy:
“Cụ nói cụ không hề cảm thấy khổ mà ngược lại rất hạnh phúc. Cụ có thể
cho con biết, hạnh phúc của cụ đến từ đâu ạ?”.
Bà cụ mỉm cười, nhìn thẳng vào đôi mắt cô, kể lại câu chuyện cuộc đời
mình:
“Nhiều năm về trước, tôi cũng từng là một phụ nữ lành lặn, khoẻ mạnh,
có chồng và các con ngoan ngoãn, có một công việc ổn định, gia đình hoà
thuận. Tôi ngỡ tưởng mình là người phụ nữ hạnh phúc nhất trên đời. Chẳng
ngờ, hai con tôi trong một lần đi tắm dưới sông thì bị chết đuối. Chồng tôi
như người mất hồn, tối hôm đó trong lúc thần trí không tỉnh táo thì bị xe
đâm chết. Đau đớn cùng cực, tôi muốn chết theo chồng con, may được người
cứu sống nhưng cơ thể đã không còn lành lặn nữa. Từ đó, tôi cũng mất đi
công việc của mình. Tuổi già đến, không nơi nương tựa, tôi phải ăn xin để
sống qua ngày như cô thấy đây.
Có một lần, tôi đi đến công viên thì thấy một nhóm người đang ngồi thiền
tĩnh lặng, có người bị cụt tay cũng ngồi thiền, gương mặt ai nấy đều toát lên
vẻ an hoà hạnh phúc. Tôi tò mò đến hỏi, thì mới biết họ là những người tu
Phật, họ đưa cho tôi một cuốn kinh Phật, nói tôi đọc xong sẽ hoá giải được
những thống khổ trong tâm.
Tôi không tin lắm, nhưng vì cũng không có việc gì để làm nên cẩn thận
đọc cuốn sách. Chẳng ngờ, tâm tôi đi từ chấn động này đến chấn động khác.
Nhìn lại cuộc đời mình, tôi bỗng thấy ngập tràn hạnh phúc.
Trên thế giới này có hàng tỉ tỉ loài động thực vật và vật chất, từ bé như vi
sinh vật đến to lớn như cá voi, còn tôi lại may mắn đắc được thân người, vì
thế nên tôi hạnh phúc.
Trên đời này người giàu có, hiển đạt cũng nhiều, người đề huề cháu con
cũng lắm, nhưng đến khi nhắm mắt xuôi tay đều chẳng mang theo được gì,
giờ khắc chia lìa thật thống khổ. Tôi không vướng bận vào những thứ ấy, ra
đi thật thanh thản nhẹ nhàng, vì thế nên tôi hạnh phúc.
Trên thế gian có bao người từ lúc mở mắt buổi sáng đến khi nhắm mắt
đêm khuya không lúc nào không bận rộn, lo toan, tranh đấu, hiếm lúc nào
được thảnh thơi. Còn tôi lại có thời gian để nghiền ngẫm và tìm kiếm ý nghĩa
cuộc đời, vì thế nên tôi hạnh phúc.
Cuối cùng, tôi đã hiểu được chân lý Phật Pháp, biết thế gian chỉ là quán
trọ qua đường, ý nghĩa đời người là quay trở về bản lai lương thiện. Vì thế
nên tôi vô vàn hạnh phúc.
Cô đừng bao giờ phó thác hạnh phúc của mình lên những vật ngoại thân,
vì chúng không thể trường tồn vĩnh cửu. Chỉ có tìm thấy ý nghĩa của sinh
mệnh, tâm thảnh thơi không dính mắc, an nhiên nhìn cuộc đời mới là thứ
hạnh phúc đích thực”.
An Nhiên

TRẺ KHÔNG CHỊU NHỚ, GIÀ MỚI NHỚ MẸ!


Nợ gì thì trả được, chứ nợ tình mẫu tử trả sao cho nổi. Vay không lãi, mà
nợ cứ chồng lên nợ!
Mẹ cô bạn tôi, 90 tuổi, vừa cầm quyển sách tôi tặng, chỉ mới nhìn tựa đề
“Những thằng già nhớ mẹ” đã lẩm bẩm: “Trẻ không chịu nhớ, đợi đến lúc
già rồi mới nhớ”. Nhận xét của người già thường lẩn thẩn, nhưng ngẫm lại
nhiều khi nhức nhối.
Nợ gì thì trả được, chứ nợ tình mẫu tử trả sao cho nổi. Vay không lãi, mà
nợ cứ chồng lên nợ!
Với mấy bà mẹ, nhớ là thương. Thương là phải biểu hiện cụ thể, là quan
tâm, chăm sóc, … nếu cần thí mạng như gà mẹ xù cánh đấu với diều hâu
cũng được. Hiểu theo kiểu lẩm bẩm của bà cụ 90 thì, trẻ không chịu thương
(mẹ), tới già rồi mới biết thương thì còn làm được cái gì nữa. Câu nói hàm
chứa bao nỗi chịu đựng sự vô tâm của con cái ngay từ hồi chúng còn trẻ.
Viết tới đây thấy chột dạ.
Vì sao nhớ mẹ? Nhớ là… nhớ, là trạng thái tình cảm… Hỏi vặn vẹo thế ai
mà trả lời nổi. Con nít nhớ mẹ, người già nhớ mẹ có chỗ giống nhau, có chỗ
khác nhau.
Đứa con út của tôi hồi 5 tuổi, một buổi tối cháu đang ngủ, chợt ngồi dậy
dựa tường, mặt mũi buồn thiu. Tôi thấy nước mắt lăn trên mặt nó. “Con nhớ
mẹ, phải không?” Nó gật đầu.
Mẹ đi công tác vài hôm, con bé thiếu hơi mẹ trằn trọc, khó ngủ. Khi con
tôi trưởng thành, đôi lần nhớ lại mặt mũi buồn thiu của nó, tôi cũng không
hỏi cái cảm giác nhớ mẹ của nó lúc ấy thế nào.
Tôi không bao giờ có cảm giác nhớ mẹ, hay thiếu mẹ như vậy. Tuổi thơ
của tôi và sau này, mẹ tôi lúc nào cũng sẵn đó, chỉ có tôi ham vui xa bà.
Thằng con lãng tử lông bông, đi chán lại mò về. Về rồi thấy mọi thứ vẫn thế,
nên ỷ lại. Nhận ra được những giá trị mình đang sở hữu coi vậy mà khó.
Chỉ khi bà mất, tôi mới cảm thấy thiếu. Mọi vật dụng, giường tủ, ly nước,
lọ thuốc… còn đó mà như thiếu. Sau đám tang, tôi sợ về nhà, sợ nhìn thấy
mấy thứ đó. Thôi, bỏ đi giang hồ vài tháng.
Đến lúc biết quan tâm đến mẹ thì lại lấy cái tỉnh táo của người bình
thường so đo với sự lẩn thẩn của người già. Đâu chịu nghĩ hồi xưa, bà cũng
kiên nhẫn chịu đựng cái tính ngang ngược của mình gấp nhiều lần.
Lại cứ khư khư mang kiến thức khoa học để ép bà, nay kiêng khem thứ
này, mai hạn chế thứ kia. Đâu chịu nghĩ, hồi xưa đời mình còn dài, bây giờ
đời bà quá ngắn. Chất lượng cuộc sống và kéo dài cuộc sống, thứ nào quan
trọng hơn? Tinh thần thoải mái và vật chất phủ phê, thứ nào bà cần hơn?
Bằng cấp cho lắm vào rồi mờ mắt, nhìn không ra những điều đơn sơ nhất.
Nghĩ lại thấy mình láo lếu đủ chuyện.
Những ngày ở Đà Lạt, những cái láo lếu này đeo bám tôi riết. Nhìn lên
bàn thờ, rồi nhìn lại mình. Tiếc rồi mới nhớ, hay nhớ rồi mới tiếc? Hai trạng
thái đó cứ lẫn lộn. Đôi lúc nghĩ bừa, phận làm con chưa tử tế, coi như xù nợ.
Bà là mẹ chắc không để bụng. Nợ gì thì trả được, chứ nợ tình mẫu tử trả sao
cho nổi. Vay không lãi, mà nợ cứ chồng lên nợ!
Nhưng rồi cũng đến lúc để bà ra đi thanh thản, gần 5 năm rồi rồi còn gì…
Ký ức thì nên giữ, nhưng níu kéo bằng nỗi nhớ thương quay quắt thì chỉ làm
người đi không nỡ, kẻ ở bận lòng.
Hôm rồi nhận được email của một độc giả hỏi mua sách. Cuối thư kèm
theo lời chúc “Chúc bác một mùa Vu Lan hiếu hạnh”.
Trời đất! Làm gì còn cơ hội mà hiếu hạnh ở đây nữa, hở người bạn độc
giả phương xa. Muộn rồi!
Lúc nhỏ nhớ mẹ vì nhu cầu, khi già nhớ mẹ vì hối tiếc. Thế những người
lớn còn mẹ thì sao? Tôi ngậm ngùi…
Chúc các bạn một mùa Vu Lan hiếu hạnh.
Thế Thành
Mùa Vu Lan

CHỈ CẦN TỈNH THỨC HƠN MỘT CHÚT


Cố gắng tạo ra điều gì đó là THAM
Chối bỏ những điều đang diễn ra là SÂN
Không biết những điều đang diễn ra hay không còn diễn ra là SI.
Khi tỉnh thức và chú tâm, bạn sẽ không chỉ trân trọng mọi chuyện diễn ra
trong ngày mà còn cảm thấy thời gian như được kéo dài một cách đầy ý
nghĩa. Bạn không còn ở trong tình trạng căng thẳng, tất bật, gò bó. Tập trung
chú tâm sẽ giúp chúng ta làm việc hiệu quả, những vặt vãnh vô nghĩa của
cuộc sống sẽ dần giảm bớt. Bạn nhận ra để cải thiện chất lượng cuộc sống,
điều quan trọng là chúng ta phải biết giữ tâm tỉnh thức.
Hãy học cách quan sát và chờ đợi. Cảm xúc đến rồi đi như những con
sóng xô bờ. Khi tỉnh thức, bạn sẽ hiểu chúng đến từ đâu và nhận ra bản chất
vô thường của các ý nghĩ cảm xúc và cả sự vô thường của vạn pháp.
Nếu đang buồn chán, bạn không cần phải bám chặt lấy cảm xúc ấy mà
hãy đơn giản để nó trôi đi. Cứ để cảm xúc phát khởi, sinh diệt một cách tự
nhiên, bạn không cần đè nén nó theo cách này hay cách khác.
Chúng ta đang sống trong thế giới lý trí tập trung quá nhiều vào tư duy
lô-gic. Chúng ta suy nghĩ phân tích về mọi việc. Dành thời gian quán sát lại
các xúc tình cảm thụ phát khởi trong ngày là một ý tưởng thú vị.
Hãy ăn uống một cách từ tốn, thưởng thức hương vị từng món, biết dừng
lại để cảm nhận những gì đang diễn ra.
Hãy hình dung tâm ta đã phản ứng thế nào trước những người quen biết
và cả những người mình mới gặp.
Thế giới ta đang sống hôm nay ra sao?
Ta đã nhận biết thêm gì về phần tâm bên trong chính mình?
Nếu tỉnh thức, bạn có thể tự đặt mọi câu hỏi. Năng lực của trí tuệ sẽ giúp
bạn tìm thấy câu trả lời cho mọi vấn đề mình đang gặp mỗi ngày.
Chỉ cần tỉnh thức hơn một chút trong cuộc sống hàng ngày, bạn sẽ thấy
cuộc đời này dễ chịu và đáng sống hơn nhiều. Sự tỉnh thức nuôi dưỡng lòng
tri ân, giúp ta rộng lượng và nhân ai’ hơn với mọi người.
Khi giữ được chánh niệm, chúng ta có thể khiến những việc nhàm chán
nhất như giặt đồ trở nên thú vị. Nó cũng giúp ta dừng lại để suy nghĩ trước
khi phản ứng với một tình huống, trước khi để mặc cơn giận bùng nổ hay
buông những lời cay độc thiếu suy nghĩ.
Và khi ra quyết định, bạn sẽ đi theo con đường của mình, thong thả lựa
chọn nhưng cũng sẵn sàng chấp nhận bất kể điều gì có thể xảy đến, vì chúng
ta đã làm theo tiếng nói của con tim tỉnh thức.
Trên con đường giác ngộ
Xin mọi loài chúng sanh
Từ bỏ cõi lãng quên
Theo dường Giới Đình Tuệ
Quay về trong Tỉnh Thức.
” Gate gate paragate parasamgate bodhi svaha ….”