CÓ KHÔNG, MỘT TUỔI GIÀ HẠNH PHÚC


Trước hết phải nói ngay là không có cái gọi là “già”!
“Khi người ta 20-30 tuổi, người ta còn quá trẻ; 30-40 tuổi, đang trẻ; 40-50,
hãy còn trẻ; 50-60 trẻ không ngờ; 60-70 trẻ lạ lùng! và trên 70 ngưòi ta trẻ
vĩnh viễn!”… Ông Khai Trí, chủ nhà sách Khai Trí trước kia ở Saigon nói với
tôi như vậy. Ông nói ông đọc được câu này trong một cuốn sách… Tây từ
lâu lắm rồi!
Còn Trịnh Công Sơn thì bảo:“… Nói với một người trẻ, tôi già rồi em ạ là
một điều vô lễ… Không có già không có trẻ…” ( Gió heo may đã về, ĐHN).
Thì ra vậy! Vậy thì cái tựa bài này “Có không, một tuổi già hạnh phúc?”,
câu hỏi đặt ra đã sai ngay từ đầu rồi còn gì!
Già là một vấn đề văn hóa. Già Tây khác già Ta. Ở một xã hội nông
nghiệp, lúa nước, già là một hãnh diện. Già luôn được kính nể. Già làng.
Kính lão đắc thọ. Ông tiên nào cũng râu tóc bạc phơ. Phúc lộc thọ luôn đi
với nhau. Người chưa kịp già cũng làm bộ tằng hắng cho ra vẻ. Cho oai.
Ngồi chiếu trên. Còn Tây thì khổ vì già, ráng giấu đi. Các mụ… phù thủy
đều già, xấu xí, tàn ác. Các ông già thì luôn biển lận, lẩm cẩm, làm trò cười.
Cho nên già phải mang mặt nạ, cố nhí nhảnh, oai phong lẫm liệt.
Nhưng, nói vậy mà không phải vậy!
Già có đó. Sanh bệnh lão tử! Ngày nay tỷ lệ người già ngày càng đông,
tuổi thọ ngày càng tăng, “ba cao một thấp” ngày càng nhiều. Một người bạn
tôi ở Mỹ về nói bạn bè mình lúc này đa số bị bệnh “Ba cao một thấp”. Tôi
ngạc nhiên : “Ba cao một thấp là bệnh gì ?”
Thì ra 3 cao là “cao máu” (tăng huyết áp), “cao đường” (tiểu đường), và
cao mỡ (tăng cholesterol xấu).
Còn “một thấp?”, tôi hỏi. “Một thấp là Thấp khớp!”
Già có đó. Nên đôi khi người ta cảm thán « nhìn lại mình đời đã xanh rêu
! ». Hoặc đã phải tự nhắc đi nhắc lại, thôi, “…về thu xếp lại, ngày trong nếp
ngày/ vội vàng thêm những lúc yêu người… Cuồng phong cánh mỏi, về bên
núi đợi, ngậm ngùi ôi đá cũng thương thay…” (TCS).
Sư bà Diệu Không viết lúc ngoài tuổi 80:
Rù rờ đổ vở thật là hư!
Chẳng biết mần răng được nữa chừ!
Ăn uống vãi rơi làm họ bực
Vào ra đụng chạm thấy mình dư…
Người quen gặp lại nhìn ngơ ngẩn
Để trước quên sau kiếm mệt đừ
Đâu biết ngày nay ra thế ấy
Xưa kia lỗi lạc một tay cừ!

“Vào ra đụng chạm thấy mình dư…” nghe mới cảm khái làm sao!
Để có hạnh phúc tuổi già, trước hết phải có sức khỏe. Cho nên Tổ chức
Sức khỏe Thế giới (WHO) đề ra một định nghĩa sức khỏe cho người già có
chút khác biệt :
Sức khỏe của người già chủ yếu là phát triển và duy trì được sự sảng
khoái (well-being) và hoạt động chức năng (function) về tâm thần, xã hội và
thể chất của họ, bởi đa số các hoạt động chức năng xài lâu đều rệu rả, quá
date, dễ cảm thấy chán nản, tuyệt vọng, lo âu, trầm cảm…
Sự khác biệt của định nghĩa này với định nghĩa chung về sức khỏe là đã
đưa vấn đề “tâm thần” lên hàng đầu: làm sao phát triển và duy trì được sự
sảng khoái và hoạt động chức năng tốt nhất về tâm thần (mental), rồi mới
nói đến xã hội (social) và thể chất (physical).
Tiếp theo đó là một định nghĩa về Chất lượng cuộc sống (Quality of life):
“là những cảm nhận của các cá nhân về cuộc sống của họ trong bối cảnh văn
hóa và các hệ thống giá trị mà họ đang sống, liên quan đến các mục đích,
nguyện vọng, tiêu chuẩn và các mối quan tâm của họ” (WHO).
Rồi đưa ra một bảng các chỉ số để giúp ta đánh giá chất lượng cuộc sống
của mình như Tình trạng dinh dưỡng ra sao?
Mức độ của sự mệt mỏi, đau nhức về thể chất?…
Giấc ngủ và sự nghỉ ngơi?
Tự nhìn nhận bản thân mình thế nào?
Có hài lòng với dáng vẻ bên ngoài của mình không?
Khả năng suy nghĩ, học tập, trí nhớ?
Mức độ vận động, đi lại, sinh hoạt ?
Khả năng thích ứng công việc hằng ngày?
Các mối quan hệ cá nhân với gia đình và xã hội chung quanh có duy trì
tốt không?
Nguồn tài chính có ổn định không?
Môi trường nhà ở, đi lại, vui chơi giải trí thế nào, có an toàn không, có
phù hợp không? v.v…
Đó là một ít trong hằng trăm câu hỏi đựơc đặt ra để giúp “đo lường” một
cách tương đối chất lượng cuộc sống. Như vậy chất lượng cuộc sống là
những cảm nhận cá nhân, có tính chủ quan, phù hợp nếp sống văn hóa, hệ
thống giá trị của riêng mình chớ không phải được đánh giá bởi máy móc xét
nghiệm của bác sĩ hay cách cân đong đo đếm của một nhân viên công tác xã
hội nào đó, so sánh ta với người hàng xóm!
Tóm lại, tuổi già thường có được hạnh phúc khi:

  • Chấp nhận. Hiểu luật vô thường, Từ bi với mình!
    • Gần gũi những người trẻ… dễ thương,
    • Có ký ức tốt về tuổi thơ và tuổi thanh niên,
    • Tự tại: sắp xếp cuộc sống riêng của mình, không bị áp đặt,
    • Được xã hội và gia đình chấp nhận, tôn trọng,
      Với những điều kiện cụ thể:
    • Có sức khỏe tương đối ;
    • Tài chánh tự chủ;
    • Nhà ở an toàn; môi trường thuận lợi;
    • Duy trì các mối quan hệ gia đình/ bè bạn;
    • Hoạt động xã hội phù hợp để thấy luôn hữu ích;
    • Gần gũi với thiên nhiên;
    • Giữ ngọn lửa nhiệt tình, niềm an lạc, thanh thản trong tâm hồn.

  • Có một lời khuyên của Tổ chức Y tế Thế giới để có một sức khỏe tốt: SAFE.
    Tôi thêm chữ R thành SAFER (an toàn hơn). Đó là chữ viết tắt của các biện
    pháp : Smoking (không thuốc lá), Alcohol (giảm rượu), Food (Dinh dưỡng
    đúng), Exercise (rèn luyện thể lực) và Respiration (Thở đúng phương pháp).
    Thuốc lá rõ ràng là có hại. Rượu thì giảm thôi chứ không khuyên bỏ hẳn.
    Nguyễn Bỉnh Khiêm nói:
    “Rượu đến gốc cây ta sẽ nhắp
    Nhìn xem phú quý tựa chiêm bao”.
    “Sẽ nhắp” chứ không phải “sẽ nốc”!
    Dinh dưỡng đúng là đừng quá cữ kiêng, thiếu calori, thiếu chất. Vận động
    thể lực vừa sức, chủ yếu là tạo sức bền, dẻo dai… chớ không phải vai u thịt
    bắp!
    Và cách thở tốt nhất là thở bụng, thở cơ hoành.
    Tuệ Tĩnh, thế kỷ XIV nước ta cũng khuyên :
    « Bế tinh dưỡng khí tồn thần
    Thanh tâm quả dục thủ chân luyện hình » !
    Đời sống bây giờ tinh không bế, khí không dưỡng, thần không tồn, tâm
    náo loạn… bảo sao không sinh lắm chuyện!
    Ngày xưa đời sống vật chất khó khăn mà sao an nhàn hơn:
    “Tháng giêng ăn Tết ở nhà
    Tháng hai cờ bạc tháng ba hội hè
    Tháng tư đong đậu nấu chè
    Ăn Tết Đoan Ngọ trở về tháng năm…”.
    Còn nay ta có thiên lý nhãn, thuận phong nhĩ, “cân đẩu vân” và có đủ 72
    phép thần thông, các thứ chỉ trên một bàn tay với vài cái nút bấm… lẽ nào
    không có được hạnh phúc? Có khi hạnh phúc sờ sờ đó mà ta không thấy
    biết, mãi mê tìm kiếm đâu đâu: gia trung hữu bảo hưu tầm mích, đối cảnh
    vô tâm mạc vấn thiền (Cư trần lạc đạo, Trần Nhân Tông).
    Tóm lại, có một tuổi già hạnh phúc đó vậy!
    BS Đỗ Hồng Ngọc

ĐẠO VÀ PHIỀN NÃO


Bất kỳ đối tượng gì hiện ra ở sáu căn, Đạo đều kiểm soát được.
Nếu Đạo mạnh thì có thể tiêu diệt được phiền não — Tham, Sân, Si.
Nếu Đạo yếu, phiền não sẽ nắm quyền kiểm soát và giết chết tâm chúng
ta. Vì không hiểu rõ chân tướng của lục trần nên khi lục trần xuất hiện, ta để
nó tự do tàn phá, hủy hoại chúng ta.
Đạo và phiền não hoạt động song hành. Người học giáo pháp phải luôn
luôn hài lòng với cả hai. Giống như trường hợp hai người đánh nhau. Khi
Đạo nắm quyền điều khiển thì Đạo sẽ giúp sức cho chánh niệm.
Nếu bạn duy trì được chánh niệm thì phiền não sẽ nhận phần thất bại khi
nó muốn tái chiến.
Nếu sự tinh tấn của bạn đi theo đường Đạo, nó sẽ tiếp tục diệt trừ phiền
não.
Nếu Đạo yếu, phiền não sẽ chiếm ưu thế, lúc ấy tham ái, si mê và lo âu sẽ
hiện khởi. Đau khổ chỉ phát sinh khi Giới, Định, Tuệ yếu.
Khi đau khổ phát sinh thì khả năng để tiêu diệt lo âu biến mất. Chỉ có
Giới, Định, Tuệ mới giúp cho Đạo hồi sinh. Khi Giới, Định, Tuệ khai triển,
Đạo sẽ bắt đầu khôi phục chức năng và liên tục hoạt động để hủy diệt
nguyên nhân phát sinh đau khổ trong mọi lúc và mọi nơi.
Cuộc chiến đấu này sẽ kéo dài cho đến lúc một bên chiến thắng và vấn đề
sẽ được ngã ngũ.
Như thế đấy! Vậy các bạn hãy kiên trì thực hành không ngừng nghỉ.
[…]
Trích “MẶT HỒ TĨNH LẶNG”, Thiền sư Ajahn Chah
Tỳ kheo Khánh-Hỷ chuyển dịch

Không nên Phản Ứng mà Ứng Phó


Một con gián, không biết từ đâu, bay vào nhà hàng và đậu lên vai một
bà thực khách.
Bà này vô cùng hoảng hốt. Khuôn mặt sợ đến tái mét, vừa la hét, vừa
nhảy ra khỏi ghế ngồi, cố lắc thật mạnh để tách con gián ra.
Con gián bay sang đậu lên vai một bà thực khách khác.
Tương tự như vậy, bà này cũng sợ hãi không kém và tạo ra một sự hỗn
loạn còn lớn hơn.
…Và cứ thế, con gián chuyền từ người này sang người khác. Sự hỗn loạn
ngày càng gia tăng.
Cuối cùng người bồi bàn cũng chạy tới. Anh lấy chiếc khăn xua nhẹ và
con gián vô tình bay sang vai anh,…
Rất bình tĩnh, anh chậm rãi đi ra cửa, rồi chạm nhẹ vào nó. Con gián tự
bay ra vườn. Sự hỗn loạn kết thúc”.
SUY GẪM:
“Nhìn qua, chúng ta dễ lầm tưởng rằng, sự hỗn loạn là do con gián mang
lại. Nhưng qua cách giải quyết của người bồi bàn, chúng ta hiểu là không
phải thế. Sự hỗn loạn thực tế đã được tạo ra bởi những hành động của các
quý bà đối với con gián, chứ không phải bản thân con gián”.

  • Trong cuộc sống, những chuyện ta không mong muốn vẫn luôn xảy ra.
    Chẳng hạn, nhỏ thì như chuyện: cơm sống, canh mặn; hoặc lớn hơn như
    chuyện: trẻ con hàng xóm đánh nhau hay anh chồng nhậu say xỉn….,
    Bản thân chúng chưa phải là vấn đề; Chính cái thái độ và cách giải quyết
    không thích hợp của chúng ta mới thực sự biến chúng thành vấn đề.
    Thực sự nguyên nhân của màn huyên náo vừa rồi không phải là con gián,
    mà là do khả năng yếu kém của những vị khách không thể kiểm soát được
    sự quấy rầy vô duyên của con gián khi nó xuất hiện bất ngờ trong nhà hàng.
    Và cũng từ đó, tự dưng tôi nhận ra rằng:
  • Không phải là tiếng hét của cha tôi, vợ tôi hay sếp tôi khiến tôi bực mình,
    mà là do khả năng yếu kém của bản thân tôi đã không thể kiểm soát được
    cảm xúc khi phải nghe những lời nói đó.
  • Không phải là việc tắc nghẽn giao thông khiến tôi bực mình, mà là do
    khả năng yếu kém của bản thân tôi đã không thể kiểm soát được cảm xúc do
    con đường tôi đi đang bị tắc.
  • Không phải vấn đề phiền toái đã đến với tôi là gì, mà là do chính phản
    ứng của tôi đối với vấn đề đó đã gây ra những lộn xộn cho cuộc đời mình.
    Vì thế bài học rút ra từ câu chuyện con gián ở trên là:
  • Không bao giờ nên “phản ứng” trong đời, mà luôn luôn “ứng phó”.
    Những vị khách nọ phản ứng khi bị con gián nhảy lên người, trong khi
    anh bồi bàn thì ứng phó với nó.
  • Phản ứng là những hành động mang tính bản năng, trong khi việc ứng
    phó là hành động được thực hiện sau khi đã được suy nghĩ kỹ và có kế
    hoạch.
    Đây thực sự là một cách để chúng ta suy gẫm và am hiểu về cuộc đời.
    Nơi nào có Trí Tuệ
    Hạnh Phúc đứng đằng sau.
    Theo bản năng phản ứng
    Đời nhuốm nhiều thương đau.
    Tiếng Lòng

LỜI NÓI DỐI NGỌT NGÀO


Ở một thị trấn nhỏ của nước Anh đã xảy ra một vụ cướp ngân hàng, tên
cướp không cướp được tiền mà lại bị bao vây chặt bên trong. Hắn ta bắt một
em bé 5 tuổi và yêu cầu cảnh sát phải chuẩn bị cho mình một khoản tiền lớn
cùng một chiếc ô tô, nếu không hắn sẽ nổ súng giết con tin.
Phía cảnh sát cử một chuyên gia đến đàm phán, tuy nhiên tên cướp vẫn
ngoan cố không chịu đầu hàng. Khi thấy tên cướp có ý định giết con tin, phía
cảnh sát đã nổ súng bắn tỉa, tên cướp kêu lên một tiếng rồi ngã lăn xuống
đất. Cậu bé nhìn thấy những vết máu và nghe thấy tiếng súng nên sợ hãi
khóc thất thanh. Người đàn ông tranh thủ cơ hội chạy lại ôm cậu bé vào
lòng.
Các hãng thông tin truyền thông vừa kịp kéo đến ùn ùn, đúng lúc đó, mọi
người chợt nghe tiếng người đàn ông hô to:
“Tốt lắm, diễn tập đến đây là kết thúc!”
Cậu bé nghe xong liền ngừng khóc và hỏi mẹ có phải như thế không. Mẹ
cậu bé kìm nén nước mắt và gật đầu. Một viên cảnh sát khác cũng đi đến
bên cạnh cậu bé và an ủi:
“Cháu diễn tốt lắm, cháu xứng đáng được khen thưởng”.
Những ngày sau đó, giới truyền thông đều im lặng, không ai nói một lời
về vụ cướp bởi họ tự hiểu rằng, đó là cách tốt nhất để bảo vệ tâm hồn cậu
bé! Nhiều năm sau, có một người đàn ông trung niên đến tìm gặp và hỏi
người đàn ông năm xưa cứu cậu bé:
“Tại sao trong lúc ấy, ông lại hô lên như vậy ạ?”
Ông cười và trả lời:
“Khi tiếng súng vang lên, tôi nghĩ rất có thể cậu bé sẽ bị ám ảnh cả đời vì
chuyện đáng sợ như thế này. Nhưng khi tôi tới gần cậu bé hơn thì dường
như Thượng đế đã gợi ý cho tôi và thế là tôi thốt lên câu “Diễn tập kết thúc!”
Lúc này, người đàn ông trung niên bật khóc và ôm chầm lấy ông:
“Con chính là đứa trẻ năm xưa đây ạ, con đã bị nói dối suốt 30 năm qua,
mãi cho tới gần đây, mẹ của con mới nói rõ sự thật cho con biết. Con cảm ơn
bác, cảm ơn bác đã cho con một cuộc đời lành mạnh!”
Ông nhìn người đàn ông trung niên rồi cười nói:
“Con đừng cảm ơn ta! Nếu con muốn cảm ơn thì hãy cảm ơn tất cả những
người đã biết chuyện nhưng vẫn sẵn lòng “lừa gạt” con ấy!”
Hành động của người cảnh sát đó thật đáng kính, ông đã đem lại điều
tuyệt vời cho cuộc đời của một đứa trẻ, bảo vệ tâm hồn non nớt của cậu bé.
Sưu Tầm

PHẠM HẠNH THANH TỊNH THÌ KHÔNG CÃI NHAU


Một thời Thế Tôn trú giữa dân chúng Sakka. Lúc bấy giờ vua Pasenadi
nước Kosala đi đến, bước vào tịnh thất, cúi đầu đảnh lễ Thế Tôn:
Bạch Thế Tôn, con thấy các Tỷ-kheo sống ở đây hành trì phạm hạnh
viên mãn, thanh tịnh đến trọn đời.
Bạch Thế Tôn, ngoài đây ra con không thấy có một hội chúng nào khác
phạm hạnh viên mãn, thanh tịnh đến như vậy.
Lại nữa, bạch Thế Tôn, con thấy vua chúa cãi lộn với vua chúa, Bà-lamôn
cãi lộn với Bà-la-môn, gia chủ cãi lộn với gia chủ, mẹ cãi lộn với con,
con cãi lộn với mẹ, cha cãi lộn với con, con cãi lộn với cha, anh em cãi lộn
với anh em, bạn bè cãi lộn với bạn bè v.v…
Còn ở đây, bạch Thế Tôn, con thấy các Tỷ-kheo sống với nhau hòa
thuận, thân thiết, không cãi lộn với nhau, hòa hợp như nước với sữa, nhìn
nhau với cặp mắt ái kính.
Bạch Thế Tôn, ngoài đây ra con không thấy có một hội chúng nào khác
phạm hạnh viên mãn, thanh tịnh đến như vậy.
(ĐTKVN, Kinh Trung Bộ II, kinh Pháp Trang Nghiêm 1992, tr.613)
LỜI BÀN:
Hội chúng của Thế Tôn là một đoàn thể sống chung thanh tịnh và hòa
hợp. Yếu tố cơ bản để xây dựng nên hòa hợp là nhờ ứng dụng triệt để tinh
thần lục hòa. Sáu pháp hòa kính này là giềng mối, nền tảng cho sự tồn tại và
phát triển của cộng đồng Sangha.
Dưới sự dìu dắt của Thế Tôn, hội chúng Sangha thanh tịnh và hòa hợp đã
tạo ra một đoàn thể có sắc thái riêng khác biệt hoàn toàn với các hội chúng
Bà-la-môn ồn ào, tạp thoại. Chính vua Pasenadi, người có uy lực nhất xứ
Kosala phải kinh ngạc và thán phục trước sự nhiếp hóa của Thế Tôn cũng
như sự thanh tịnh tuyệt đối của Tăng đoàn.
Điều mà vua Pasenadi trải nghiệm được là mọi người khó có thể sống hòa
hợp với nhau, cho dù đó là những người có uy quyền (Sát-đế-lợi), những
bậc tri thức và lãnh đạo tinh thần (Bà la môn) và ngay cả những người ruột
thịt mà chúng ta yêu thương nhất cũng thường xảy ra bất đồng, xung đột.
Do vậy, xây dựng được một hội chúng lý tưởng như Sangha là điều khó làm.
Ngày nay, lục hòa không còn được ứng dụng triệt để trong đời sống Tăng
đoàn, vì thế rất khó xây dựng được hội chúng lý tưởng, thanh tịnh và hòa
hợp như thời Thế Tôn.
Đó là một sự thật mà chúng ta cần nhìn nhận để nỗ lực xây dựng, tịnh
hóa Tăng đoàn trong bối cảnh những rạn nứt, đổ vỡ trong các hội chúng Tỷ-
kheo ngày càng gia tăng. Thiết lập tinh thần sống chung an lạc trong các hội
chúng là một trong những phận sự quan trọng để xây dựng Tăng đoàn thanh
tịnh và hòa hợp.
QUẢNG TÁNH