Thông thường tâm ta bị nặng xuống và khổ đau tìm tới với ta, vì ta thấy
ai, ta cũng nghi ngờ; ta sống mất hết hy vọng, vì ta nhìn thấy ai cũng xấu cả.
Nhưng, ta quên đi một điều hết sức quan trọng trong đời sống rằng:
“Ta nghĩ xấu cho ai là tâm ta xấu trước, ta nghĩ tốt cho ai là tâm ta tốt
trước”.
Ta chỉ có hạnh phúc và thoải mái, đầy nghị lực để sống, khi ta nghĩ được
rằng:
“Mọi người chung quanh ta không có ai xấu cả, nếu có chăng, chỉ có cái
tâm ta xấu, khi nó đang nghĩ xấu về một người khác!”.
Và ta biết rất rõ rằng:
“Người kia xấu, vì họ chưa có đủ điều kiện để biểu hiện cái tốt của họ ra
đó thôi”.
Ta hãy thực tập nhìn vào những cái tốt của người để tâm ta có nhiều cơ
hội đi lên.
Ta thử thực tập một ngày, một tháng hay một năm đừng thấy ai xấu cả,
thử xem tâm ta có nhẹ nhõm và thanh thoát hay không?
Ta hãy phát tâm làm một đốm lửa nhỏ giữa mùa đông, hay một giọt nước
nhỏ giữa mùa hạ, để tâm ta có mặt trong tâm mọi người!
Xa hơn thế, nếu không nhìn được cái tốt của người khác thì ta nên tặp
nhìn mọi người với cái nhìn Như Thị (như thế), vì ánh nhìn càng đơn giản,
tâm thái ta càng trở nên trong sáng, nhẹ nhàng…
Điều này mới nghe qua thì đơn giản, nhưng để có cái nhìn như này lại
không hề giản đơn…
‘Em hãy nhìn như Phật
Nét bao dung, hiền hòa
Ánh nhìn Chân Thiện Mỹ
Làm đau thương xóa nhòa.
Như Nhiên
Month: November 2021
GIÁ TRỊ ĐÍCH THỰC LUÔN TỒN TẠI TRƯỚC MỌI ĐỔI THAY
Trong một ngôi chùa nọ, Lễ Hằng Thuận cho một đám cưới đang được
cử hành. Vị Sư trụ trì xuất hiện, sau một hồi thuyết Pháp, Sư cầm một tờ
100$ Mỹ mới tinh trên tay đưa lên và nói :
“Ai muốn tờ một trăm này không ?“
Không có tiếng trả lời… Sư trụ trì nói :
” Đừng xấu hổ, Ai thích giơ tay lên”.
Một phần ba số người có mặt giơ tay lên. Sư trụ trì vò tròn tờ giấy 100 $ lại,
rồi hỏi :
”Bây giờ còn ai thích sở hửu nó nữa không ?”
Vẫn còn người giơ tay nhưng ít hơn phân nửa. Sư trụ trì vứt tiền xuống đất,
giẫm chân lên…chà chà…rồi lại lấy lên. Tờ giấy 100$ bây giờ vừa dơ vừa
nhầu nát… Sư trụ trì cất tiến hỏi :
”Có ai còn thích tờ giấy này nữa không?”
Chỉ còn một người giơ tay. Sư trụ trì mời anh lên phía trên, trao cho anh tờ
100$ và nói :
” Anh là người duy nhất giơ tay cả 3 lần”
Tất cả môi người trong chùa đều cười to… Nhưng Sư trụ trì ra hiệu im lặng
và xoay người về hướng chú rể nói :
“Hôm nay con cưới một cô gái mà con đang yêu nhất trên đời…
nhưng…cũng giống như tờ tiền giấy này…năm tháng sẽ trôi qua cộng thêm
những vất vã… Vợ con sẽ không còn xinh đẹp như hôm nay. Trên thực tế
tiền vẫn là tiền…giá trị của nó không thay đổi…
Hy vọng con cũng giống như chàng trai này… luôn hiểu giá trị và ý nghĩa
đích thực…đừng vì bề ngoài mà đánh giá mọi thứ..”
- Hình thức bề ngoài của mỗi người sẽ biến đổi theo thời gian… Con
người sẽ già đi và xấu hơn… nhưng tâm hồn đẹp thì sẽ vĩnh viễn không thay
đổi. - Bạn đừng mù quáng theo đuổi cái mới cái đẹp… đi tìm mọi thứ xa vời
thực tế.. rối từ đó đánh mất đi hạnh phúc hiện tại đang có trong tầm tay.
Thông Đạt
MẤT TIỀN VÀ CÁCH CƯ XỬ
Một hôm tại lớp võ của tôi tập có chuyện không vui xảy ra, đây là lần đầu tiên có cô võ sinh đã bị mất tiền từ phòng chứa đồ dành chung cho tất cả mọi thành viên của võ đường. Nạn nhân là một huyền đai tên Cheng, nữ sinh viên năm cuối, du học sinh từ Singapore, cuối ngày hôm ấy cô đã ghé qua ngân hàng rút một số tiền lớn (khoảng $5000 Mỹ Kim) để sáng ngày mai sẽ đóng tiền cho trường cô đang theo học và lo một số việc cho gia đình.
Có thể cô quá chủ quan vì suốt 3 năm theo tập tại võ đường, chúng tôi chưa bao giờ có vấn đề tệ hại này xảy ra. Trong giờ giải lao 5 phút, cô phát hiện ví tiền còn nguyên trong ngăn kéo nhưng tất cả số tiền không cánh mà bay. Hoảng hốt, cô liền lớn tiếng hô mất trộm và quyết định kêu Cảnh sát và đề nghị Thầy giữ tất cả mọi người trong lớp chờ điều tra cho ra lẽ.
Lúc đó Thầy tôi – Một võ sư gốc Nhật 70 tuổi, đăm chiêu suy nghĩ. Chờ mọi người xung quanh lắng xuống ông mới ôn tồn nói:
– “Đây là lần đầu tiên trong 50 năm dạy võ của Thầy, 20 năm võ đường chúng ta được thành lập mới xảy ra chuyện không vui này, Thầy rất buồn về sự việc đã xảy ra, nhưng Thầy hiểu rằng con người ai cũng có những lúc sai trái và sa đà trong việc mình làm. Là người Thầy dạy các em thì Thầy phải hoàn toàn chịu trách nhiệm. Thầy xin cam đoan với các em nếu hôm nay không tìm ra được số tiền đó thì Thầy xin đứng ra gởi lại số tiền cho người mất.
Tuy nhiên, nếu có người lấy cắp số tiền trên tại võ đường này thì chắc chắn phải là học trò thương yêu nào đó của Thầy… Thầy xin em Cheng cho Thầy giải quyết theo cách của Thầy nhé”.
Trong đám võ sinh lố nhố, người im lặng, có người buồn, có đứa giơ tay đề nghị phải làm cho ra lẽ, cứ việc gọi Cảnh sát đến điều tra ra trắng đen v.v.. Thầy đưa tay đề nghị mọi người giữ im lặng để Thầy nói:
– “Thầy xin lỗi tất cả trước và đây là cách giải quyết của Thầy, không cần gọi Cảnh sát làm gì. Xin tất cả ra sân đứng sắp hàng không thiếu một ai. Chút nữa từng người một bước vào võ đường một mình trong vài phút, nếu ai lỡ mượn tiền bạn mình mà chưa xin phép thì cứ lấy ra bỏ lại vào ví cho bạn và tất cả ra đây sắp hàng lại nhé. Người cuối cùng vào xem lại ví tiền sẽ là em Cheng. Tuy nhiên, trước hết xin cho Thầy, cô Cheng cùng một võ sinh lớn tuổi nhất trong lớp chúng ta vào xem nơi mất tiền vài phút nhé”.
Thầy và cô gái mất tiền, vị võ sư đàn anh của chúng tôi cùng vào nơi để chiếc ví trở ra, sau đó từng tự người một đi lặng lẽ vào bên trong võ đường. Hơn 1 giờ mọi người đi vào và ra, đúng như dự kiến của Thầy số tiền đã được ai đó trả lại ngay vào trong ví của người mất, cô gái mất tiền cũng thở phào khi tìm lại được đầy đủ những gì cần thiết.
Mọi người cảm thấy nhẹ nhàng, nhưng nhìn sâu trong mắt mọi người dường như ai đó cũng có chút tâm trạng.
Trong suy nghĩ của tôi: Nếu như Thầy đồng ý gọi sở cảnh sát thì người bạn lấy trộm số tiền từ chiếc ví kia chắc chắn sẽ phải nhận sự trừng phạt của pháp luật. Việc trừng trị tội phạm không có gì là sai, nhưng nó lại khiến một người nào đó mãi mất đi cơ hội sửa sai, chuộc lại lỗi lầm, làm lại từ đầu.
Những gi Thầy làm đã giúp tìm được tài sản của học trò mình mà còn cho người học trò khác một cơ hội hoàn lương. Nhận được sự tha thứ, khoan dung, kẻ trộm kia có lẽ từ đây cũng sẽ hồi tâm chuyển ý, sống cuộc đời ý nghĩa hơn.
Tuy nhiên – Tại sao trong ánh mắt mọi người có chút lệ ? Tôi tin là mọi người cũng như tôi, ai cũng đã thấy khi vào nơi mất tiền. Một bao thư đóng kín còn nguyên đã được đặt trên ghế có ghi chú bằng mực đen bên ngoài và một tờ giấy ai đó viết vài chữ nguệch ngoạc cũng bằng tiếng Anh.
“Đây là số tiền thu phí tháng này, trong các con ai kẹt tiền cứ lấy, không cần trả lại thầy…” trên bao thư.
Tờ giấy bên cạnh: “con xin lỗi thầy & mọi người, con không dám nhận số tiền của thầy. Nhưng con hứa sẽ không bao giờ làm như thế nữa…”.
KHÔNG BIẾT CHÁN
Ở đời, người ta hay nói hễ cái gì thiếu hụt thì ham muốn, còn đầy đủ quá rồi thì thôi, thậm chí còn sinh ra nhàm chán. Sự thật thì có nhàm chán một số thứ nhưng chỉ tạm thời, lắng dịu được một lát, như ăn no xong thì đói, lại thèm ăn. Tuy nhiên, có rất nhiều thứ khiến người ta mải đam mê không chán, không dừng như uống nước biển, càng uống lại càng khát. Âu cũng là thân phận của chúng sinh trong cõi Dục, cõi của ham muốn bất tận.
Trong vô vàn thứ khiến người ta đam mê, có thứ thuộc nghiệp cũ, nó nằm sâu trong tim óc, sinh ra đã có rồi nhưng có thứ thuộc về nghiệp mới, mới tập tành trong hiện đời mà vẫn dính mắc nghiện ngập không thể rời ra được.
Nghiệp cũ là tham dục, ngủ nghỉ còn nghiệp mới là say nghiện rượu bia, ma túy v.v… Loanh quanh suốt cả đời người cũng không thoát ba thứ này. Người đời cũng cần lưu ý ba món này để giữ mình, người tu lại càng lưu tâm hơn vì “quen thói thì không biết nhàm chán, cũng lại không thể dẫn đến chỗ thôi dứt”.
“Một thời Phật ở nước Xá-vệ, rừng Kỳ-đà, vườn Cấp Cô Độc. Bấy giờ Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
Có ba pháp này, quen thói thì không biết nhàm chán, cũng lại không thể dẫn đến chỗ thôi dứt.
Thế nào là ba?
Nghĩa là tham dục, nếu có người quen pháp này, ban đầu không chán;
Hoặc lại có người quen uống rượu, ban đầu không chán;
Hoặc lại có người quen ngủ nghỉ, ban đầu không chán; đó là ba.
Này các Tỳ-kheo! Nếu có người quen ba pháp này, ban đầu không chán, lại cũng không thể đến chỗ diệt tận.
Thế nên, các Tỳ-kheo, thường hãy bỏ lìa ba pháp này, chẳng nên gần gũi. Như thế, này các Tỳ-kheo, hãy học điều này!
Bấy giờ các Tỳ-kheo nghe Phật dạy xong, vui vẻ vâng làm”.
(Kinh Tăng nhất A-hàm, tập I, phẩm22.Cúng dường)
Tham dục là bản chất của chúng sinh trong Dục giới. Nếu không tham thì hẵn chúng ta đã không sinh vào cõi này. Tham dục nhiều thì đau khổ nhiều, tham dục ít thì đau khổ ít, không tham dục thì không đau khổ. Vấn đề là làm sao để bớt tham, đoạn giảm, dẫn đến ly tham? Phát huy tuệ giác để thấy rõ ngoài thân thì vô thường, trong thân thì bất tịnh, tất cả thế giới vũ trụ đều là dukkha (khổ đau, bất toàn, lưu chuyển, không định tính…). Tâm trí càng tịnh sáng bao nhiêu thì tham dục càng bớt lại bấy nhiêu.
Ngủ nghỉ cũng thuộc tham dục (tài, sắc, danh, thực, thùy). Dù rằng ngủ nghỉ rất cần cho sự sống còn và sống khỏe của con người. Điều cần quan tâm ở đây là phân biệt rạch ròi giữa ngủ nghỉ đủ và tham ngủ nghỉ. Hơn một phần tư đời người chỉ dùng cho ngủ nghỉ mà thôi. Ngủ ít mà sâu, ngon giấc vẫn đủ đầy hơn ngủ nhiều mà chập chờn, mộng mị. Thiền định là liệu pháp tích cực cho giấc ngủ sâu, nghỉ ngơi tuyệt đối, ngủ nghỉ ít mà nhanh chóng phục hồi sức khỏe, sảng khoái tinh thần.
Uống rượu bia, dùng các chất ma túy khiến say nghiện là điều tệ hại, tuy mới huân tập đời này mà lại không biết chán, khó dứt trừ. Say nghiện khiến cho con người mất hết nhân cách, phạm nhiều tội lỗi. Ở đời nghiện bất cứ thứ gì cũng khổ. Nhưng nếu lỡ say nghiện rồi mà thấy rõ sự lệ thuộc, sự nguy hiểm rồi nỗ lực, phấn đấu một cách kiên cường thì có thể cai được. Cắt cơn được rồi thì cố cách ly, “chẳng nên gần gũi” may ra mới giữ được an toàn không tái nghiện.
Giải thoát theo Thế Tôn có khi thật cao xa thuộc sự chứng đắc của các bậc Thánh nhưng cũng giản đơn rất gần gũi đời thường. Sống có chánh niệm, làm chủ thân tâm trước cám dỗ của tham dục, ngủ nghỉ, bia rượu cùng các chất gây nghiện khác cũng là giải thoát rất nhiều rồi.
QUẢNG TÁNH
SỰ THẬT DƯỚI TẤM CHĂN BÔNG…
Sau dịp nghỉ lễ kéo dài nhiều ngày, tôi phát hiện gần khu mình ở có một sạp bán rau và hoa quả tươi. Cũng rất nhanh sau đó, tôi đã có cảm giác ông lão bán rau đó thật đáng ghét.
Tiếng rao bán hàng cứ oang oang, cứ như ông ta dùng hết sức bình sinh để rao bán hàng vậy. Đáng ghét hơn là ông ta quảng cáo hàng của mình hơi quá lời, có quả dưa chuột thôi nhưng qua miệng ông ta, nó giống như báu vật trên trời rơi xuống vậy…
Tôi cảm thấy ông lão này không được chất phác như ấn tượng của mình về những người nông dân ở thôn quê.
Vì ghét ông ta nên dù đôi khi thấy rau quả rất tươi, tôi cũng không mua mà chấp nhận đi vòng ra siêu thị xa hơn.
Cuối tuần đó, trời có gió lớn, trong nhà hết sạch rau, tôi buộc phải đi mua. Xuống dưới, tôi mới phát hiện gió thổi còn mạnh hơn cả cảm nhận của tôi khi ở trên nhà. Cát thổi tạt vào mặt, tôi cảm thấy rát.
Lúc đó, tôi thầm nghĩ: Nếu hôm nay ông lão kia vẫn bán hàng, mình sẽ mua của ông ta. Ngay sau đó, tôi lại phủ nhận chính mình: Gió to thế này, có lẽ ông ta chẳng mở hàng, thôi ra siêu thị.
Ra khỏi khu dân cư, vượt qua đám cát bụi đang bị thổi tung trong không gian, tôi hướng tầm mắt ra chỗ sạp hàng rau. Có vẻ gì đó là lạ, hôm nay không nghe thấy tiếng ông lão rao bán hàng.
Thì ra gió to, ông lão đang cuộn mình co ro phía sau giá rau củ, tay như đang cầm thứ gì đó giống như chăn bông cũ. Lẽ nào ông lão đã bán hết rau, chuẩn bị dọn hàng.
Xem ra đành phải đội gió ra siêu thị rồi. Tôi có chút thất vọng, tiếp tục bước đi.
Đột nhiên, tiếng rao hàng của ông lão vang lên làm tôi giật mình: “Dưa chuột còn nguyên cả gai đây…”. Tiếng rao vẫn hệt như mọi ngày khiến người khác cảm nhận được sự khoa trương. Thế nhưng hôm nay tôi lại không cảm thấy ghét tiếng rao ấy như mọi khi.
Bước đến trước sạp hàng, lần đầu tiên tôi quan sát thật kỹ rau củ quả mà ông lão bán và phát hiện chúng quả thực rất tươi, thậm chí rau xanh còn không bị tưới thêm nước để tăng cân như trong siêu thị.
Xem ra, ông lão “nghe” có vẻ không chất phác này thực tế không như tôi đã nghĩ.
Sau khi đã mua rau cần mua, ông lão tranh thủ quảng cáo với tôi trái cây.
Những loại hoa quả có trên giá không phải thứ tôi thích ăn nên tôi hỏi: “Bên dưới chăn bông là thứ gì thế ông, có phải dưa hấu không?” (Trước đây tôi đã nhìn thấy nhiều người bán hoa quả trái mùa như dưa hấu, dâu tây từ miền Nam chuyển tới đều dùng chăn bông đắp lên để giữ nhiệt).
Ông lão bán hàng cười ha hả: “Dưa hấu á? Thứ dưới chăn quý hơn dưa hấu nhiều cô ạ”.
Tôi hiếu kỳ tiếp tục hỏi: “Vậy là thứ gì vậy ạ?”
“Là bà nhà tôi đấy”, vừa nói, ông lão vừa lật tấm chăn lên. Bên dưới là một bà cụ mặt sưng phù.
Người bán rau phủ lại tấm chăn lên người vợ, hành động thật tỉ mỉ và cẩn thận. Tôi đã quyết định không lấy lại tiền thừa. Xem ra người đó bệnh rất nặng!
Tôi đang định mở miệng, ông lão đã nói trước: “Để bà ấy ở nhà, tôi sợ bà ấy đi lúc nào không hay. Đem bà ấy ra đây, còn theo dõi được bà ấy…”, giọng người đàn ông cao niên nghẹn lại.
“Không có cách gì chữa trị sao?”– tôi cảm thấy ái ngại.
“Giai đoạn cuối rồi. Cố gắng bán được nhiều rau một chút, lấy tiền tiêm thuốc giảm đau cho bà ấy, vậy cũng xem là đã tận tâm rồi.
Bệnh này người nghèo chúng tôi làm sao có tiền mà theo. Bán hết cả nhà cửa, truyền hóa chất rồi, tóc cũng rụng sạch chẳng thể mọc lại, di căn khắp nơi rồi.” – ông lão vừa trả lại tiền cho tôi, vừa nói, âm thanh hoàn toàn khác biệt với lúc rao bán hàng.
Tôi xua tay, chạy đi thật nhanh.
Phản tỉnh
Trong phút chốc, tôi như cảm thấy rất nhiều thứ bản thân tích lũy được hằng ngày bỗng dưng như sụp đổ. Đến lúc ấy, tôi mới nhận thấy mình đã quá đề cao bản thân. Tôi thường dùng phán đoán “tự cho là đúng” của bản thân để phán đoán con người và mọi chuyện tôi gặp.
Tôi cho rằng mình được hưởng một nền giáo dục tốt, có trí tuệ, có tình cảm, kiến thức sâu rộng… nhưng trên thực tế, tôi đã không hiểu cả một người bán rau.
Tôi chỉ nhìn biểu hiện của ông lão và quan niệm của bản thân để đánh giá người khác, thậm chí còn cho mình là “cao minh”. Tôi thật hẹp hòi!
Chỉ nhìn bên ngoài mà không hoán đổi vị trí để suy nghĩ, không chịu bình tĩnh, dùng lý trí để đánh giá người và việc xung quanh, đây là điều cực đoan mà không biết đã có bao nhiêu người thuộc tầng lớp trung, thượng lưu trong xã hội giống như tôi đã phạm phải?
Ông lão bán rau đã giúp tôi thức tỉnh.
Sưu Tầm
ĐỪNG GHÉT BỎ AI ĐÓ LÀM GÌ
Mình ghét người ta nhưng chắc gì người ta đã biết điều đấy. Như thế chỉ có mình phải khó chịu mà thôi. Nếu đã không thích, không thương được thì đơn giản là không tiếp xúc, không bận tâm, gánh mãi một người mấy chục ký lô trong suy nghĩ thì tự làm cho mình kiệt sức đấy!
Đừng bao giờ trông chờ vào một người nào đó để có được hạnh phúc. Hãy luôn là chính mình, là một tâm hồn tự do, phóng khoáng và làm tất cả những gì mình thích trong chánh niệm, cuộc đời sẽ mỉm cười với mình. Hạnh phúc do chính mình mang lại mới là hạnh phúc thực sự.
Khi một cuộc tranh cãi nổ ra, không nhất thiết phải là người thắng cuộc. Vì ta không biết được mình sẽ mất những gì sau đó. Đôi khi, chấp nhận thua để cõi lòng bình an, thì ta chính là người thắng vậy.
Nếu người khác tôn trọng mình, hãy tôn trọng họ. Nếu họ không tôn trọng mình, vẫn cứ tôn trọng họ, đừng để hành động của người khác ảnh hưởng đến nhân cách của mình.
Khi nhìn người khác qua lăng kính phán xét, ta sẽ thấy ai cũng thật nhiều xấu xa, khuyết điểm. Còn khi nhìn người khác qua tấm gương “chân lý”, sẽ thấy ta và mọi người chẳng khác gì nhau.
Có rất nhiều chuyện, trước khi kịp quý trọng thì đã thành chuyện xưa. Có rất nhiều người, trước khi kịp để tâm thì đã thành người cũ. Cuộc sống không bán vé khứ hồi – mất đi vĩnh viễn không có lại được!
Chúng ta đều già quá nhanh – nhưng sự thông minh lại đến quá muộn…
(sưu tầm)