Đoàn tình nguyện viên vượt chặng đường dài đến nơi cứu trợ. Mọi người
trên chuyến xe cứu trợ không khỏi xúc động khi nhìn thấy các em nhỏ nhem
nhuốc, gầy gò, quần áo tả tơi đuổi theo chiếc xe tải to lớn chở đầy quà cứu
trợ. Ngay lập tức, nhóm tình nguyện viên chúng tôi quay vào xe lấy quà cứu
trợ trao cho các em. Bỗng nghe tình nguyện viên người Mỹ quát lớn:
“Cậu định làm gì vậy? Bỏ xuống!”
Mọi người thật bất ngờ trước hành động kì quặc của chàng trai người Mỹ.
“Chúng ta đến đây để giúp mọi người kia mà?”
Anh ta không trả lời ngay mà quay ra các em nhỏ:
“Chào em, tụi anh đã đi rất xa để đến đây. Trên xe có rất nhiều thứ, em có
thể giúp anh chuyển chúng xuống không? Tụi anh sẽ trả công cho em”. Tình
nguyện viên người Mỹ hỏi cậu bé.
Trong khi đứa trẻ còn đang lưỡng lự, thì các cậu bé khác đã chạy tới trước
chiếc xe. Tình nguyện viên người Mỹ cũng đề nghị giống như vậy với chúng.
Một đứa trong nhóm xung phong khuân thùng bánh bích quy xuống xe.
“Rất cám ơn em đã giúp anh, đây là phần thưởng cho em – một thùng bánh
bích quy và một cái chăn bông được trao cho cậu bé – Không còn ai sẵn lòng
giúp đỡ bọn anh nữa sao?“
Những đứa trẻ lập tức trèo lên xe và trong tích tắc hàng hóa đã nằm ngay
ngắn dưới mặt đất. Các tình nguyện viên nhanh chóng trao cho mỗi em một
phần quà cứu trợ.
Một đứa trẻ đến muộn vô cùng thất vọng khi nhìn thấy cái thùng xe tải
trống rỗng. Em không biết mình phải làm gì để được nhận quà.
“Hãy nhìn xem, mọi người đang rất mệt mỏi. Thật tuyệt vời nếu em có
thể tặng mọi người một bài hát của dân tộc mình.” Tình nguyện viên người
Mỹ gợi ý.
“Cám ơn em, bài hát thật tuyệt!” Chàng trai vừa nói vừa trao cho cậu bé
một phần quà.
Đêm đó, các tình nguyện viên đã có dịp trò chuyện cùng nhau. Anh bạn
người Mỹ nói:
“Thật xin lỗi vì thái độ của tôi ban sáng, tôi không nên lớn tiếng như thế.
Nhưng bạn biết không; nghèo không phải là cái tội, nhưng mọi người có
nhận thấy, dường như những đứa trẻ đã quen với việc được mọi người giúp
đỡ bằng cách phân phát thức ăn, nhu cầu yếu phẩm hay tiền bạc mỗi khi đến
đây. Cho nên chúng đứng trên đường chờ những chuyến xe thiện nguyện
đến phát quà.
Nhưng nếu những đứa trẻ ấy nhận được sự giúp đỡ của mọi người một
cách quá dễ dàng, rất có thể chúng sẽ hình thành lối nghĩ: dùng sự nghèo đói
của mình để mưu sinh, chứ không cố gắng phấn đấu để vươn lên. Lúc ấy,
chúng sẽ càng nghèo khổ hơn. Đó không phải là lỗi do chúng ta gây ra hay
sao?”
Làm việc thiện không khó nhưng cần có lý trí. Phật gia giảng, việc tưởng
là tốt rất có thể lại là xấu, chiếu theo Pháp lý ở tầng khác.
Đừng làm từ thiện như một sự ban ơn, bạn có thể trao cho các em nhiều
hơn một thùng quà bánh. Món quà lớn hơn mà chúng ta có thể trao đi, là sự
tôn trọng, để các em hiểu rằng trong hoàn cảnh nào cũng giữ phẩm giá con
người. Và món quà lớn nhất chúng ta có thể trao cho các em là niềm tin rằng
chính các em sẽ thay đổi cuộc sống của mình bằng sự nỗ lực, và điều tốt đẹp
sẽ đến khi các em cố gắng xứng đáng với nó.
Nguồn: Đan Thanh
Month: January 2022
HAI NGƯỜI CON
Một truyền thuyết xứ Nghìn Lẻ Một Đêm kể lại rằng một người đàn ông
đang sống hạnh phúc bên người vợ thật tuyệt và hai con trai yêu dấu. Một
hôm ông phải đi công việc xa trong nhiều ngày, và trong thời gian đó hai
con bị tai nạn và không may đã qua đời. Người mẹ cảm thấy lòng trĩu nặng
vì khổ đau.
Tuy nhiên, đó là một người đàn bà thật khôn ngoan và nhiều nghị lực,
với một niềm tin mãnh liệt vào Thượng Đế, nên đã chịu đựng tai họa một
cách dũng cảm.
Nhưng rồi bà lại có mối âu lo khôn cùng: Làm thế nào để cho chồng bà
biết về hung tin này đây? Ông ấy rất yếu mềm về tình cảm và bà lo sợ rằng
ông không chịu đựng nổi sự kinh hoàng của điều không may. Thế là bà
đến bên Thượng Đế và cầu xin Ngài hãy giúp bà có thể tìm được phương
cách giải quyết nỗi đau thương này.
Thời gian trôi qua và người chồng nay đã trở về. Ông đến hôn vợ và hỏi
về tin tức của hai con trai. Bà trả lời rằng lát nữa sẽ nói chuyện trong bữa
ăn tối, nhưng ông phải đi tắm trước cho khoẻ.
Sau khi ông tắm xong, bà vừa ăn vừa hỏi chuyến đi như thế nào. Nhưng
ông không trả lời mà vẫn hỏi về hai con. Người vợ cảm thấy thật bối rối và
nói với ông:
- Để rồi ta sẽ nói chuyện về các con sau nhe. Em muốn nhờ anh giải
quyết một vấn đề mà theo em nghĩ rất quan trọng trước đã. - Vậy thì nói đi em, chúng ta sẽ cùng nhau giải quyết việc đó, người đàn
ông trả lời một cách rất hiền hòa. - Trong khi anh vắng nhà, có một người bạn đã đến thăm chúng ta và để
lại hai món nữ trang hoàn toàn vô giá để chúng ta canh giữ, nhưng anh
biết không hai món ấy thật tuyệt đẹp nên em quá yêu thích và không muốn
trả lại cho người ấy tí nào cả, anh nghĩ sao?
Người chồng trả lời: – Anh không hiểu bây giờ sao em thật kỳ lạ. Em
chưa bao giờ ham muốn những vật trang sức xa xỉ ấy, và cho dù em có yêu
thích như vậy đi nữa, món nữ trang ấy không phải của em và em phải
mang trả cho người ta. - Nhưng em không có ý định mất chúng đâu anh ạ. Người vợ trả lời
Người chồng nói với bà: - Ta không thể đánh mất những gì ta chưa bao giờ sở hữu. Em sẽ mang
trả những món trang sức ấy, và cả anh và em ta sẽ cùng đi trả cho họ, ngay
hôm nay.
Người vợ trả lời ông: - Phu quân yêu quý ạ, vậy ta sẽ làm như anh muốn. Hai món nữ trang
thật tuyệt vời sẽ được giao trả lại cho người đã mang đến gửi cho ta giữ.
Nhưng thật ra việc đó đã được thực hiện rồi anh, vì hai món trang sức vô
giá ấy là hai con trai rất yêu dấu của chúng ta, và Thượng Đế đã triệu hồi
chúng về với Ngài rồi, anh ạ.
Người đàn ông hiền lành đã hiểu ra điều vợ mình muốn bày tỏ, ông ôm
chặt lấy bà, và rồi cả hai người để cho nước mắt tuôn trào, không còn thất
vọng đau buồn oán than…
Khuyết danh- bonheur pour tous- TL dịch
(truyện cổ Ả Rập, Ba Tư và Ấn Độ, viết bằng tiếng Ả Rập)
LỜI KINH TRONG LÒNG BÀN TAY
“Hạt giống cây mướp đắng, gieo vào đất ướt, hạt giống nảy mầm, mọc
rễ, đâm chồi, ra hoa, kết quả; tất cả những gì nó lấy lên từ đất đều tạo thành
một vị đắng, thân đắng, lá đắng, hoa đắng, quả đắng.
Có những người cũng vậy, tất cả những gì trong cuộc sống đi qua đều để
lại trong lòng họ một vị rất đắng.”(1)
Cây cỏ muôn đời vẫn vậy, không thể đổi thay, cây mướp đắng, dù trồng
ở đâu, chăm sóc thế nào, cũng không thể làm mất đi vị đắng. Dù mưa lũ về
nhiều hay ít, dù gió Bấc đến sớm hay muộn, tháng giêng vạt lau ngoài bến
sông lại ra hoa trắng muốt cả một khúc sông, chưa bao giờ vì nắng mưa mà
vạt lau đổi thay màu trắng bình dị của mình.
Nhưng với con người lại là một câu chuyện khác, con người có thể đổi
thay, có thể làm phai nhạt đi những gì đắng cay nhất trong lòng, có thể thay
đổi màu u ám trong mắt thành một màu tươi sáng hơn; thế nhưng, bài học
khó nhất đối với con người chính là học được cách làm phai nhạt đắng cay
trong lòng, làm sáng lên ánh mắt, làm ấm lại đôi tay và làm cho trái tim trở
nên rộng lượng.
Con người luôn là một câu chuyện khác, rất khác, trừ những người luôn
muốn sống một cuộc đời, bỏ mặc mình, như cỏ cây.
Nếu chúng ta sống những ngày dài đắng cay thì điều đó nhất định là do
cách sống của chính mình, không phải do cuộc sống ngoài kia đưa đến.
Do ích kỉ, muốn người thất bại, nên khi nhìn thấy người thành công, trong
lòng cảm thấy không vui. Do hận thù, muốn người phải khổ, nên khi nhìn
thấy người sống hạnh phúc, trong lòng cảm thấy rất khó chịu. Do không
hiểu biết, muốn thương người, nhưng lại thương không đúng cách, để cuối
cùng, trong lòng ai cũng phải đắng cay.
Không có gì làm tổn thương con người nhiều bằng những tình thương
hết mình như không hiểu biết, nên không phải chỉ ghét nhau, mà lắm khi
chính việc thương nhau cũng để lại những vị rất đắng trong lòng.
Đâu đó trên thế gian vẫn luôn có những người mà tất cả những gì trong
cuộc sống đi qua đều để lại trong lòng họ một vị rất đắng.
Thật ra, trong cuộc sống không có thứ gì là cay đắng nếu chúng ta không
nuốt nó vào lòng; và trong cuộc sống cũng không có gì là nặng nề, nếu chúng
ta không tìm cách mang vác lên vai.
Cuộc đời như đất, mong người luôn biết cách chắt lọc hạnh phúc từ
những điều bình thường để làm nên cho mình một cuộc sống bình yên.
Người ngủ an.
Vô Thường.
Núi 11.1. 2022
Om Mani Padme Hum
(1) Một ý trong kinh Tăng Chi.
ĐI XA QUÁ RỒI, TIẾNG MÁ BỖNG LẠ ĐI
Hồi đó có bao giờ kêu mẹ đâu, sinh ra là đã bắt chước anh chị kêu tiếng
má. Má về! má tiền sáng, cơm chín chưa má? sao nay má buồn vậy? nhà
mình có chuyện gì hả má?
Mọi thứ từ lớn đến bé đều kêu má, má như một phép mầu, chỉ cần có má
là mọi thứ sẽ ổn, sẽ được bảo vệ, được chở che.
Đi xa quá rồi, gọi mẹ hồi nào không hay, giờ kêu má lại thấy lạ. Lạ đến
nỗi mà khi má nghe, má hỏi:
- Người Sài-gòn họ gọi vậy hả sư?
Mình đâu phải người Sài-gòn, mình chỉ bắt chước cái giọng Sài-gòn cho
sang, cho đỡ tiếng vùng miền, nói để người ta không hỏi lại, thỉnh thoảng
cười trêu.
Có lần, má không cho kêu má, cũng không cho kêu mẹ.
Má bắt phải kêu Thí-chủ, má bảo: - Người xuất gia phải gọi cha mẹ là Thí-chủ để không còn quyến luyến
tình cảm gia đình cá nhân, coi chúng sanh chung là thân bằng quyến thuộc.
Mình hỏi: – Sao má biết?
Má đáp: – Thì má thấy mấy sư ở chùa gọi vậy.
Thí-chủ đơn giản chỉ là một Phật tử bình thường khi có con là người xuất
gia học đạo.
Nghe lời má, chuyển sang kêu Thí-chủ một thời gian thì lại thấy nhớ. Nhớ
tiếng má thiêng liêng mỗi khi thấy mình lạc lõng.
Má là một người tu đạo thuần thành, má sợ tội, má sợ con trai mình không
giống các sư, làm sai phép đạo, có lỗi với Phật, với Tăng đoàn.
Nhưng má đâu biết, ai cũng cần có mẹ, có má, được kêu tiếng mẹ, tiếng
má thôi là thấy mình vẫn còn cơ hội, mỗi khi chênh vênh, buồn tủi.
Má cũng chẳng bao giờ dám gọi tiếng con, bởi má sợ mình lỗi đạo. Tiếng
đầu cũng sư, tiếng sau cũng sư. Cuộc đời của má luôn hy sinh âm thầm như
thế. Má đã hành xử rất văn minh, văn minh theo cách của một người Phật
tử vùng quê, gìn giữ nếp đạo thiêng liêng của dân tộc.
Má có thể không gọi con, nhưng con sẽ gọi má, còn được gọi tiếng má để
có đi xa đến đâu cũng nhớ nơi bắt đầu, nơi có hình ảnh của má tất bật sửa
soạn bữa cơm chiều. - Sư ráng ăn cho hết nha, nay Thí-chủ nấu dư nhiều lắm!
Giác Minh Luật
Bangkok, ngày 05/01/2022.
CUỐI NĂM NGỒI NGẪM CHUYỆN ĐỜI
Cuộc sống vội vã, kiếp người bé nhỏ, ngoảnh đầu lại đã hơn nửa đời
người. Thời gian trôi nhanh như bóng cây lướt ngoài cửa sổ. Hôm qua còn
vui vầy cùng bè bạn mà hôm nay đã đôi ngả lìa tan. Người cũ lâu không
gặp, chuyện cũ lâu không bàn. Chớp mắt một cái, nhìn quanh mình chẳng
còn lại mấy ai. Thời gian không đợi một ai, một sớm soi gương thấy tóc Ta
điểm bạc, hồng trần có khác nào cõi mộng vậy thôi
Đôi khi buồn phiền?
Hãy nghĩ cuộc sống là phép trừ, gặp một lần bớt một lần, còn có gì phải
khổ não đây. Không quên ơn người giúp mình, không trách móc người xử
tệ với mình, không giữ mãi trong lòng hận thù người khác, tự khắc Ta sẽ
thấy cuộc đời sao mà an nhiên, bình lặng đến vậy!
Khi gặp phải chuyện đau buồn, không như ý, hãy nghĩ rằng cuộc sống
chính là một lần phải vượt qua. Kiếp người khi đến tay không, ra đi cũng
tay không, không mang đến hạt cát mà cũng không mang đi một áng mây
nào.
Khi Ta bất mãn?
Hãy nghĩ đến những người nghèo khổ, kém may mắn hơn Ta, biết đủ
mới là hạnh phúc. So với người bệnh, hạnh phúc của Ta là sống khỏe mạnh.
So với người đã khuất, hạnh phúc của Ta là còn sống. Người ta muốn sống
tốt thì tâm phải đơn giản, phải bớt tranh giành một chút.
Khi Ta cảm thấy không vui?
Hãy tự hỏi rằng mình còn lại bao nhiêu ngày để có thể dằn vặt. Nghĩ kỹ
rồi, Ta sẽ không buồn nữa. Khi Ta tức giận hãy nghĩ rằng liệu có cần phải
khổ tâm vì một người không đáng, tại sao Ta lại để người đó làm chủ trong
tâm hồn mình. Ta hãy quên đi cứ ăn ngon, ngủ ngon, chăm sóc tốt, biết cách
tiêu tiền là được rồi.
Khi Ta muốn so đo tính toán?
Hãy nhớ lại rằng con người đến thế gian này là tay không, hà cớ gì phải
tính toán thiệt hơn, tại sao không chịu nhường một bước ?
Nói nhiều sẽ làm tổn thương người khác,
So đo nhiều lại tổn hại tinh thần, vừa hại người lại hại mình,
kết quả là hao tâm tổn sức. Một đời người thực ra chỉ cần không làm
chuyện phải hổ thẹn với lương tâm, tự tại an nhàn đã là quý lắm rồi !
Hãy sống sao cho thật vui vẻ. Có cơm để ăn, có quần áo để mặc, có núi
để leo, có biển để ngắm, có internet để vào, có xe để đi, có việc để làm, có
thêm người bạn đời cùng chung suy nghĩ nữa là … tuyệt vời !
Sống an nhiên vui vẻ mới là tốt nhất, chẳng việc gì phải để ý đến tiền ít
tiền nhiều. Sau này già rồi, chết đi ai còn để ý Ta là ăn mày hay là người giàu
có? Ai cũng có phiền muộn, hàng ngày đều có buồn phiền, quan trọng nhất
là Ta không để ý đến nó, sống vui vẻ thì buồn phiền sẽ tự nhiên tan mất.
Phiền não ngày ngày đều có nhưng nếu không tự tay nhặt lên thì người ta
đâu phải u sầu nhiều đến vậy?
Tài sản quý giá nhất là: Sức khỏe & Trí Tuệ
Khi sinh mệnh của con người chấm dứt, đến lúc sự sống không thể cứu
vãn được nữa thì tiền tài là gì, danh vọng là chi, thảy đều vô nghĩa.
Truy cầu giàu có khiến người tham lam, biến thành ác quỷ. Trong mắt
người sắp từ giã cõi đời, những gì gọi là danh phận, địa vị, tiền bạc đều chỉ
là vô giá trị mà thôi.
Sức khỏe là số một, không có sức khỏe thì danh tiếng, địa vị, sỉ diện, xa
hoa, xe sang, nhà cao cửa rộng… thảy đều là mây bay, gió cuốn, mong manh,
hư ảo cả.
Hãy luôn nhớ rằng : chiếc điện thoại thông minh cao cấp, 70% chức năng
là không hề dùng tới. Một chiếc xe sang, 70% tốc độ là thừa. Một ngôi biệt
thự nguy nga, 70% diện tích là bỏ trống. Hàng loạt chuyện đời, 70% là vô vị,
hư không. Một đời nỗ lực kiếm tiền, 70% là để lại cho người khác tiêu. Hãy
sống thật đơn giản, tận hưởng cuộc đời, giữ lấy 30% những gì vốn thuộc về
mình mới mong thực sự có được hạnh phúc.
Đời người lại như một hiệp đấu. Nửa trước là học hành, quyền lực, chức
tước, thành tích, tăng lương, tăng chức. Còn nửa sau là huyết áp, mỡ máu,
tiểu đường, ung thư, cô đơn, sầu não. Nửa hiệp đầu là phấn đấu hết mình,
nửa hiệp sau là chấp nhận, buông xuôi. Nghĩ lại đi, Cớ sao kiếp người mỏi
mệt lắm vậy?
Khoai Nướng
Namo Buddhaya