BUÔNG XẢ NHỮNG NỖI LO ÂU

Ta hay nhân danh sự bận rộn, bổn phận, trách nhiệm để cho phép mình
rời bỏ chính mình bất cứ lúc nào. Khi thức dậy là ta đã bắt đầu phóng tâm
đi lang thang bên ngoài, tìm kiếm cái này, nắm bắt cái kia. Ta tự cho mình
cái quyền để được lo lắng liên tục hết việc này đến việc khác. Đó là sự yếu
lòng, sự vướng kẹt, là thói quen chụp bắt, lo lắng, sợ hãi lâu ngày không
thoát ra được.
Con thuyền tâm ta đã khẳm quá rồi. Vậy mà ta không dám vứt xuống bớt
những dự án, kế hoạch, kể cả những quyền lợi tuy rất lớn nhưng làm cho
phẩm chất đời sống của ta đi xuống rõ rệt, làm cho con người nặng trĩu, cộc
cằn, dễ buồn, dễ giận, dễ tổn thương. Đã từng nắm giữ rất nhiều nhưng cuối
cùng có cái nào ở lại lâu bền, vĩnh viễn với ta đâu? Có cái nào giữ nguyên
một trạng thái cố định đâu? Rồi ngày mai, đối mặt với cái chết, bước sang
thế giới bên kia, ta mang theo được gì ngoài tâm hồn? Mà ngay khi còn sống
đây, cái ta phải đối mặt thường xuyên và chịu ảnh hưởng nhiều nhất chính
là tâm. Vậy mà từ rất lâu rồi, ta lại bỏ rơi tâm để chạy theo thành bại, cố gắng
dàn xếp, kiểm soát mọi thứ theo ý mình. Nhưng có được bao nhiêu đâu?
Cảnh là của chung, là của ít nhất một người nào đó nữa mà? Làm sao kiểm
soát hết được.
Hãy buông xả đi. Hãy để nó cứ là chính nó đi. Hãy để cho nhân quả và
duyên sinh giải quyết đi. Ta chỉ làm những gì trong khả năng của mình thôi.
Đó là giữ một tâm hồn trong trẻo, bình yên, tươi mới, dễ thương. Đây là
hành trang chúng ta có thể mang qua bao nhiêu kiếp mà không sợ hãi. Ta
chỉ sợ hãi khi tâm hồn mình đã nát nhàu, vỡ vụn, khô cứng và đầy chất độc.
Ta nguyện nuôi dưỡng tâm hồn bằng năng lượng bình an.
(Radio BÌNH YÊN GIỮA BIẾN ĐỘNG | Số phụ 2: thiền buông thư “Buông
xả những nỗi lo âu”)

RẢI TÂM TỪ MỖI NGÀY ĐỂ ĐƯỢC AN VUI


Một thời Thế Tôn trú ở Kapilavatthu, dạy các Tỷ-kheo:
Này các Tỷ-kheo, từ tâm giải thoát được thực hành, được tu tập, được
làm cho sung mãn, được tác thành cỗ xe, được tác thành căn cứ địa, được
tiếp tục an trú, được tích tập, được khéo khởi sự thời được chờ đợi là mười
một lợi ích. Thế nào là mười một?
Ngủ an lạc, thức an lạc, không ác mộng, được loài người ái mộ, được phi
nhân ái mộ, chư Thiên bảo hộ; không bị lửa, thuốc độc, kiếm xúc chạm; tâm
được định mau chóng, sắc mặt trong sáng, mệnh chung không hôn ám, nếu
chưa thể nhập thượng pháp (quả A-la-hán) được sanh lên Phạm thiên giới.
Này các Tỷ-kheo, từ tâm giải thoát được thực hành, được tu tập, được
làm cho sung mãn, được tác thành cỗ xe, được tác thành căn cứ địa, được
tiếp tục an trú, được tích tập, được khéo khởi sự thời được chờ đợi là mười
một lợi ích.
(TĂNG CHI BỘ IV, chương 11, phẩm Tùy Niệm, phần Từ)
LỜI BÀN:
Từ bi là một phẩm tính quan trọng trong đạo Phật. Yêu thương, tôn trọng
và bảo vệ sự sống con người cùng tất cả chúng sanh trong tinh thần không
phân biệt chính là từ bi. Nhân loại tiến bộ ngày nay tôn vinh Đức Phật cùng
giáo lý của Ngài vì cảm nhận được sự tuyệt diệu, cao cả của lòng từ. Từ bi
được các nhà lãnh đạo thế giới xem như liệu pháp quan trọng để giải quyết
những khủng hoảng thế giới hiện nay.
Những người con Phật luôn an trú trong tâm từ, lấy từ bi làm nền tảng
cho mọi hành động, ứng xử trong cuộc sống. Nhờ đó mà thanh lọc và giảm
thiểu đến tận cùng những mưu sâu kế độc, toan tính lợi mình, hại người.
Tâm từ với khả tính thương yêu tưới tẩm sẽ dập tắt não phiền và luôn mang
đến bình an. Người sống với tâm từ, ngoài sự thanh thản, an vui còn được
những người xung quanh quý mến, kính trọng và chư thiên hộ trì. Phước
báo của sự thực hành tâm từ có thể hóa giải được các kiếp nạn, nhất là hỗ
trợ đắc lực cho quá trình thanh tịnh và thăng hoa tâm linh để thành tựu các
Thánh quả. Tâm từ khiến cho con người trở nên thuần hậu, an bình cho đến
giây phút cuối cùng của cuộc đời và những kiếp lai sanh.
Không thể nhân danh người con Phật mà lại thiếu lòng từ. Để nuôi lớn từ
tâm, ngoài việc thực hành thiền quán từ bi cần phải thực hành ăn chay,
phóng sanh, bảo vệ môi trường… Yêu thương, tha thứ và bao dung là những
phẩm chất cao quý cần thiết cho đời sống an lạc của mỗi cá nhân đồng thời
đó cũng là những chất liệu quan trọng góp phần xây dựng hòa bình, hạnh
phúc cho toàn thể nhân loại.
QUẢNG TÁNH

NGƯỜI PHẬT TỬ CẦN LÀM GIÀU VỚI NĂM MỤC ĐÍCH CAO THƯỢNG


Một thời, Thế Tôn trú ở Sàvatthi, tại khu vườn ông Anàthapindika. Rồi
gia chủ Anàthapindika đi đến, sau khi đảnh lễ và ngồi xuống một bên. Thế
Tôn nói với gia chủ Anàthapindika.
Này gia chủ, có năm lý do để gầy dựng tài sản. Thế nào là năm?
Ở đây, này gia chủ, vị Thánh đệ tử được tài sản nhờ nỗ lực tinh tấn, thâu
góp với sức mạnh của bàn tay, kiếm được do đổ mồ hôi, thâu được một cách
hợp pháp. Tự mình làm an lạc, hoan hỷ. Làm cho cha mẹ, vợ con, người phục
vụ, người làm công được an lạc, hoan hỷ. Đây là lý do thứ nhất để gầy dựng
tài sản.
Lại nữa, này gia chủ, vị Thánh đệ tử kiếm được tài sản nhờ nỗ lực tinh
tấn… Vị này làm cho bạn bè, thân hữu an lạc, hoan hỷ. Đây là lý do thứ hai
để gầy dựng tài sản.
Này gia chủ, vị Thánh đệ tử kiếm được tài sản nhờ nỗ lực tinh tấn… Các
tai họa để trở thành trắng tay bị chặn đứng và vị ấy giữ tài sản được an toàn
cho vị ấy. Đây là lý do thứ ba để gầy dựng tài sản.
Lại nữa, này gia chủ, vị Thánh đệ tử kiếm được tài sản nhờ nỗ lực tinh
tấn… Vị ấy có thể hiến cúng cho bà con, cho khách, cho hương linh đã chết;
hiến cúng cho vua và chư thiên. Đây là lý do thứ tư để gầy dựng tài sản.
Này gia chủ, vị Thánh đệ tử kiếm được tài sản nhờ nỗ lực tinh tấn… Vị ấy
tổ chức cúng dường các vị Sa môn, Bà la môn. Sự cúng dường tối thượng
này đưa đến phước báo vô lượng ở cõi người, cõi trời. Đây là lý do thứ năm
để gầy dựng tài sản.
(ĐTKVN, Tăng Chi Bộ II, chương 5, phẩm Vua Munda)
LỜI BÀN:
Đề cập đến Phật giáo, xưa nay đa phần đều nghĩ về khuynh hướng ly
dục, muốn ít và thanh bần. Ít ai ngờ rằng, Thế Tôn từng khuyến khích hàng
đệ tử phải cố gắng làm giàu. Hãy gầy dựng tài sản, làm giàu với năm mục
đích cao thượng.
Làm cho cá nhân và xã hội trở nên giàu có, thịnh vượng là khát vọng của
nhân loại. Thế nhưng, con đường để trở thành giàu có không phải ở đâu và
lúc nào cũng chân chính, là thành quả lao động khó nhọc từ khối óc và bàn
tay. Vì thế, người Phật tử vâng lời Thế Tôn dạy, làm giàu chân chính bằng
sự nỗ lực, cố gắng; bằng tất cả trí tuệ và sức lực; bằng các phương thức lao
động, kinh doanh hợp pháp. Đồng thời, việc tạo ra của cải vật chất với mục
đích cao cả là đem lại sự an vui và hạnh phúc cho mình và tha nhân.
Người Phật tử làm giàu trước hết nhằm đem lại hạnh phúc cho tự thân,
gia đình và các nhân công, người phục vụ. Kế đến, đem tài sản của mình làm
ra cho bà con, thân hữu, bè bạn và tha nhân được an vui, hạnh phúc. Mặt
khác, biết cách bảo vệ thành quả lao động đồng thời không lãng phí và đầu
tư vào những công việc không đem lại lợi ích cho con người. Ngoài ra, người
Phật tử phải biết đem tài sản do mình làm ra để xây dựng các công trình văn
hoá, nhớ về cội nguồn, cúng tế ông bà, tổ tiên và bố thí cho chư thiên cùng
các vong hồn đói khát. Sau cùng, người con Phật phải biết hướng về các vị
nhân sĩ, bô lão, những người có đời sống đạo đức, phạm hạnh như Sa môn
để cúng dường đồng thời học theo đức hạnh của các ngài nhằm xây dựng
phước báo tốt đẹp cho tự thân trong đời này và đời sau.
Làm giàu với năm mục đích cao thượng như trên, người con Phật đã góp
phần tích cực vào công cuộc xây dựng đất nước ngày càng giàu mạnh, công
bằng, tiến bộ và văn minh.
QUẢNG TÁNH

MUỐN SỞ HỮU HẠNH PHÚC


Ta đang ”sở hữu” nhiều hạnh phúc lắm! “Người ta vui không phải vì sở
hữu nhiều, mà nhờ tính toán ít.”
Vẻ ngoài đơn giản một chút thì nội tâm phong phú hơn; nhu cầu ít đi một
chút thì tinh thần phong phú hơn, hoàn cảnh bình dị một chút thì không
gian phong phú hơn. Trốn tránh chưa chắc đã thoát, đối mặt chưa chắc đã
khổ.
Thay vì vắt óc nghĩ kế sao cho mình được lợi rốt cuộc cái không có chẳng
lấy được, cái đang có cũng mất nốt, chẳng thà trân trọng những gì là của
mình và quên đi thứ không thuộc về bản thân.
Làm người, còn sống được là tốt. Có cơm để ăn, có nước để uống, có áo
để mặc, có giường để ngủ, có núi để leo, có sách để đọc, có việc để làm, có
đường để đi, có Xuân để đón, có người làm bạn chính là niềm hạnh phúc lớn
nhất rồi!? Ta đang ”sở hữu” nhiều hạnh phúc lắm, vì mãi đi tìm hạnh phúc
phía trước nên ta không nhớ ra đó thôi!!

  • Đề bài nào cũng có nhiều cách giải, vấn đề nào cũng có nhiều biện pháp
    xử lý, không đi đường này thì đi đường khác, tội gì tranh nhau chen lấn trên
    một cây cầu chật hẹp. Tìm được lý do để buồn thì cũng sẽ tìm được lý do để
    vui.”
    Mộng Bình Thường
    Namo Buddhaya

LỜI KINH TRONG LÒNG BÀN TAY


Chúng ta, có lẽ, ít ai nhận ra, ngay chính từ những nhu cầu về hạnh phúc
của mình đã vô tình tạo ra rất nhiều khổ đau cho ngày mai. Không ai muốn
làm khổ mình cả, nhất định là như vậy, nhưng luôn có không ít người chỉ vì
một chút niềm vui trước mắt mà vô tình buộc vào ngày mai những nỗi buồn
rất dài; không ai muốn làm đau mình cả, nhưng do cố theo đuổi một thứ gì
đó mà vô tình bước sâu vào khu rừng đầy gai, rồi đi tiếp hay quay lại đều bị
tổn thương như nhau.
Chúng ta thường nói về những nỗi đau, nhưng có lẽ, ít ai thật sự biết được
nỗi đau mình đang chịu nhận được bắt đầu từ những lầm lỗi của chính mình
ngày hôm qua.
Những ai thực sự hiểu được nỗi đau, cách họ nói về nỗi đau nghe rất
khác. Không oán trách cuộc sống, không đổ lỗi cho những người chung
quanh. Mỗi nỗi đau là một lần để dừng lại và nhận ra gương mặt thật của
mình.
Nhìn trên một phương diện nào đó, nỗi đau cũng là một cách nuôi dưỡng
con người. Vì có những người, chỉ có thể được đánh thức dậy bằng một nỗi
đau, bị đau nên nhận ra đã đến lúc dừng lại và phải sống khác xưa, bị đau
nên biết mình chỉ còn cách lớn lên, không thể nhỏ bé mãi được.
Có kẻ một hôm thức dậy, quyết tâm muốn làm một người lương thiện,
trước tiên không phải để giúp ai đó ngoài kia mà để không làm khổ chính
mình vào ngày mai.
Khi nghe thấy một nỗi đau, đó là một lời nhắc của cuộc sống, rằng chúng
ta đã làm một điều gì đó lầm lỗi ở ngày hôm qua.
Ai cũng có nỗi đau của mình, nhưng chúng ta đừng để bản thân mình trở
thành nguyên nhân làm phát sinh nỗi đau trong lòng người khác.
Người ngày mới an.
Vô Thường

DUNG MẠO SONG HÀNH CÙNG TÂM NIỆM


Trong cuộc sống thường có hiện tượng rằng: Một người lướt qua thì thấy
dung mạo vô cùng tuyệt vời, song nhìn lâu lại thấy bình thường.
Một người liếc nhìn thấy bình thường, nhưng sau này càng nhìn lại càng
thấy thuận mắt, càng nhìn càng lại thấy cuốn hút.
Sở dĩ như thế phần lớn là vì trên khuôn mặt đã thể hiện tâm hồn của
người đó. Tâm hồn cũng ảnh hưởng tới dung mạo. Tính cách của một người
được viết trên khuôn mặt của họ. Tính cách qua ngày rộng tháng dài sẽ dần
thay đổi dung mạo của chúng ta.
Người xưa có câu rằng “Tướng do tâm sinh”, ý muốn nói với chúng ta
rằng, dung mạo của một người sẽ thay đổi theo tâm niệm của họ.
Nếu bạn sống khoan dung, trên khuôn mặt của bạn sẽ hiện lên vẻ đẹp
của sự an nhiên.
Bạn sống đơn giản, khuôn mặt sẽ có nét cười của trẻ thơ. Bạn thân thiện,
khoé môi của bạn tự nhiên sẽ hướng lên trên như đang mỉm cười. Bạn giả
dối, đôi mắt bạn sẽ lộ vẻ gian xảo. Bạn nóng nảy, đôi lông mày sẽ vô tình
nhíu lại.
Thực ra, trạng thái tinh thần của một người, nếu có những biến đổi tích
cực, thì toàn thân người ấy sẽ toát nên sức sống. Sự kiên nhẫn, tự tin, không
chỉ thay đổi dung mạo, mà còn khiến khí chất thăng hoa.
Do đó, nếu muốn có một dung mạo xinh đẹp, ắt phải nuôi dưỡng tâm
hồn mình. Chỉ khi tâm hồn rạng rỡ, đáng yêu, bạn mới có thể tạo được vẻ
đẹp mỹ lệ bền lâu.
Một người phụ nữ sở hữu dung mạo xinh đẹp tuy nhiên tính cách không
tốt, tu dưỡng không đủ, chưa chắc nhìn họ đã xinh đẹp. Nếu bạn may mắn
có một khuôn mặt xinh đẹp, thì bạn cần ghi nhớ đây chính là một khảo
nghiệm đối với tâm hồn bạn.
Còn nhớ một nữ diễn viên người Anh từng nói:

  • Nếu muốn có một thân hình đẹp hãy chia đồ ăn của bạn cho những
    người đói khát.
  • Nếu muốn có một đôi môi đẹp, hãy nói những lời thân thiết.
  • Nếu muốn có một đôi mắt khả ái hãy nhìn vào điểm tốt của người khác.
    Nếu muốn có một phong thái trang nhã, khi đi đường hãy nhớ rằng trên
    đường không chỉ có mình bạn.
    Kỳ thực, ở đời không có vẻ đẹp và cái xấu vô duyên vô cớ. Một người có
    gương mặt xinh đẹp, nhưng tính cách không tốt, tu dưỡng không đủ, chưa
    hẳn trông họ đã xinh đẹp. Diện mạo thể hiện tình cảm, tính cách của bạn, và
    cũng tiết lộ vận mệnh của bạn.
  • Chia sẻ thêm với bạn một câu danh ngôn mà tôi rất thích:
    ”Người đẹp, chưa chắc là một người luôn tốt, nhưng người tốt chắc chắn
    là một người luôn đẹp”. Vậy cái đẹp không tàn phai nằm ở đức tính nơi một
    tâm hồn…
  • Trau chuốt hình thức bề ngoài
    Không bằng làm đẹp chính ngay tâm mình…
    Thân, Miệng, Ý biết giữ gìn
    Nét đẹp xử thế hơn nghìn dung nhan…
    Như Nhiên