NGƯỜI ĐỜI VÀ ĐỜI NGƯỜI


Hãy xem cách ứng xử của người Nhật đối với tro cốt của người đã ra đi.
Chuyện xảy ra trên một chuyến bay: Một người đàn ông Nhật đưa tro cốt
của vợ về nơi an nghỉ cuối cùng ở quê nhà.
Người đàn ông ấy và vợ lấy nhau hơn 50 năm. Họ sinh sống ở Yokohama
nhưng quê nhà của họ thì ở Saga, Kyushu. Khi vợ mất ông đã quyết định
đem tro cốt của bà về với quê cha đất tổ. Ông biết việc vận chuyển tro cốt
của người đã khuất phải làm thủ tục đặc biệt với hàng không. Ông bỏ hũ tro
vào một cái hộp nhỏ rất chắc chắn và cũng rất xinh đẹp, và khi làm thủ tục
ông cũng trình bày rất rõ ràng với nhân viên hàng không. Ðội ngũ nhân viên
sân bay đã đồng ý cho ông mang hộp đựng bình tro cốt lên máy bay, nhưng
với điều kiện họ phải được phép giữ và bảo quản kỹ càng chiếc hộp trong
suốt chuyến bay. Ông đồng ý ngay.
Mọi thứ vẫn diễn ra bình thường cho đến khi ông ngồi xuống ghế của
mình.
Một cô tiếp viên hàng không bỗng đi đến gần ông và hỏi một câu nhẹ
nhàng:

  • “Thưa ông, Chúng tôi đã sắp xếp một chỗ ngồi cho bà. Ông cho phép tôi
    chuyển bà ngồi cạnh ông nhé?”
    Cô tiếp viên hỏi xong, trong lúc ông vẫn còn đang ngơ ngác chưa hiểu
    chuyện gì thì cô tiếp viên đã nhẹ nhàng đặt chiếc hộp đựng hũ đựng tro cốt
    lên chiếc ghế cạnh ông. Cô còn nhẹ nhàng cài đặt dây an toàn cho cả chiếc
    hộp như cài dây cho một hành khách. Xong cô cúi đầu nói:
    “Xin chào hai quý khách!”.
    Hành động nhỏ mà vô cùng cao đẹp này của người tiếp viên và phi hành
    đoàn đã thắp sáng hạnh phúc tưởng chừng như tắt lụi của người đàn ông
    kia. Vậy là ông vẫn còn được bay cùng bà chung một chuyến về thăm quê
    nhà.
    Khi câu chuyện được chia sẻ, mọi người đều có ấn tượng tốt đẹp với cách
    sắp xếp và cư xử tâm lý của phi hành đoàn. Cư dân mạng không khỏi xúc
    động khi bình luận rằng:
  • “Họ đã thật sự cho ông ấy một chuyến đi ý nghĩa nhất cuộc đời”
  • “Tôi thật sự không thể cầm được nước mắt khi đọc câu chuyện này”
  • “Nước mắt của tôi sao nó cứ rơi, nhưng không phải vì buồn mà vì hạnh
    phúc thay cho ông ấy”.
    SƯU TẦM

NHỮNG “CÁI GIÁ” TRONG ĐỜI


Ở đời, cái giá của chần chừ chính là mất mát cơ hội
Cái giá của thành công chính là đã trải qua nhiều lần thất bại
Cái giá của sự giàu có chính là kiệt sức, thiếu thốn về tinh thần
Cái giá của hạnh phúc viên mãn tuổi già chính là bao nhiêu thăng trầm
giông bão thời tuổi trẻ…
Cái giá của một người tử tế là chính những thử thách họ phải trả lời suốt
đời bằng bản thân.

  • Thế nên khi quyết định bất cứ điều gì hãy nghĩ đến cái giá phải trả, quyết
    định xem nó có đáng không, bản thân có trả được không rồi hãy làm.
    Quyết định sống lười biếng và thiếu mục tiêu thì có sẵn sàng trả giá với
    cuộc đời đầy màu sắc, sung túc và năng động sau này của mình không?
    Sống hời hợt với mọi người thì có sẵn sàng trả giá với sự trống vắng
    không?
    Lười biếng không học hỏi thì có sẵn sàng trả giá với mức lương thấp kém,
    vị trí nhỏ bé ở chỗ làm không?
    Chần chừ mãi không chịu cố gắng làm việc thì có sẵn sàng trả giá với sự
    hối hận cắn rứt, nghèo đói mòn kiếp sau này không?
    Nếu biết rằng cái gì cũng có cái giá của nó rồi thì khi đã quyết định làm
    một cái gì đó thì hãy làm hết sức và đừng hối hận.
    Vì người đi rồi sao níu giữ, thời gian trôi không tìm lại được bao giờ
    Mỗi người chỉ sống có một lần.
    Đời này, đừng để hối tiếc mà nói hai chữ giá như…
    Như Thị

HỌC HẠNH SỐNG QUA LỜI ĐỨC PHẬT DẠY

  1. Học Hạnh Của Đất:
  • Này La Hầu La, con hãy học cách hành xử của Đất: Dù người ta có đổ
    hay rải lên Đất những thứ tinh sạch và thơm tho như hương hoa, nước ngọt,
    sữa thơm … hay là những thứ hôi hám và dơ dáy như máu mủ, nước tiểu,
    phân rác … thì Đất cũng tiếp nhận những thứ ấy một cách rất thản nhiên,
    không vướng mắc, tự hào, cũng không oán hờn tủi nhục !
    Tại sao ạ !?
    Tại vì Đất là Địa Đại có dung tích rộng lớn, có khả năng tiếp nhận và
    chuyển hóa !
    Nếu Tâm của con rộng lớn vô lượng như Đất, thì con cũng có thể tiếp
    nhận và chuyển hoá tất cả mọi bất công, oan ức … và những thứ ấy không
    thể làm cho con buồn tủi và khổ đau được !
  1. Học Hạnh Của Nước:
  • Này La Hầu La, con hãy học cách ứng xử của Nước: Dù người ta có đổ
    xuống Nước những chất thơm tho đẹp đẽ … hay là giặt rửa trong Nước
    những thứ dơ bẩn, hôi hám … thì cũng không vì thế mà Nước bị vướng mắc,
    tự hào, hoặc cảm thấy oán hờn và tủi nhục !
    Tại sao ạ !?
    Tại vì Nước là Thủy Đại có dung tích rộng lớn, có khả năng lưu chuyển,
    có thể tiếp nhận và chuyển hoá tất cả những gì đã nhận !
    Nếu Tâm của con rộng lớn bao la vô lượng như Nước, thì con cũng có thể
    tiếp nhận và chuyển hoá tất cả mọi bất công, oan ức … và những thứ ấy sẽ
    không thể làm cho con đau khổ và buồn tủi được !
  1. Học Hạnh Của Gió:
  • Này La Hầu La, con hãy học cách cư xử của Gió: Năng lực của Gió có
    thể tiếp nhận, thổi và di chuyển mọi mùi hương … dù thơm, dù thối mà
    không bị vướng mắc hay bám chấp vào những tự hào, buồn khổ, hay tủi
    nhục !
    Tại sao ạ !?
    Tại vì Gió là Phong Đại có dung tích vô cùng rộng lớn, có khả năng
    chuyển hóa và di chuyển phi thường !
    Nếu Tâm của con có khả năng chuyển hoá và di chuyển phù hợp nhất,
    thì con cũng có thể tiếp nhận và chuyển hoá tất cả mọi bất công và oan ức …
    mà kẻ khác trút lên con; Khi đó những thứ ấy không thể làm xáo trộn được
    sự bình an và hạnh phúc trong con được!
  1. Học Hạnh Của Lửa:
  • Này La Hầu La, con hãy học cách hành xử của Lửa: Năng lực của Lửa
    có thể tiếp nhận và đốt cháy mọi thứ, dù là những cái xấu dơ bẩn … Lửa
    cũng không vì thế mà cảm thấy tủi nhục, buồn khổ, chán chường, tuyệt
    vọng!
    Tại sao ạ !?
    Tại vì Lửa là Hỏa Đại có sức mạnh và khả năng vô cùng lớn, có thể thiêu
    đốt và chuyển hoá tất cả những gì người ta mang tới!
    Nếu Tâm của con không kỳ thị, không vướng mắc, thì con cũng có thể
    tiếp nhận và chuyển hoá tất cả mọi bất công, oan ức … và những thứ ấy sẽ
    không thể nào làm xáo trộn hạnh phúc và bình an trong con được!

BÀI KINH TỪ CÂY CẢI BẮP

Có lần tôi tu tập tại thành phố Bernares, ở Ấn độ, trong một tu viện nằm
giữa một bên là trạm xe buýt và một bên là ga xe lửa. Ngay giữa một nơi xô
bồ và náo nhiệt này, có một miếng vườn rất nhỏ, chưa đến một mét vuông.
Một hôm tôi ngồi ở ngoài, cạnh bên những mảnh cỏ có vài cây ấy, tôi chợt
nhận thấy trong miếng vườn nhỏ có một cây bắp cải đang mọc. Và trong
giây phút ấy, bổng dưng tôi có một kinh nghiệm rất kỳ diệu và sâu sắc. Ngồi
đó, chỉ nhìn vào cây bắp cải ấy, tôi chợt ý thức được rất rõ sự đồng nhất của
mình với nó!
Tôi thấy rõ được những năng lượng của đất trời đang tụ hội lại với nhau,
theo một hình thể đặc biệt, vào một thời điểm nhất định, với những hình
tướng, những màu sắc biến đổi, cùng phối hợp với nhau, chúng được khởi
lên, sanh ra, già đi, và rồi hư hao, hoại diệt.
Và tôi cũng ý thức rằng, cái mà tôi gọi là “cái ta” này đây, nó cũng chỉ là
những năng lượng của thiên nhiên họp lại với nhau theo một hình tướng
nào đó, trong một giai đoạn nào đó, và rồi cũng được sanh ra, già nua, hư
hao và hoại diệt. Tôi thấy rõ là mình được cấu tạo nên do bởi một số yếu tố,
và không có một cái tôi nào nằm bên ngoài, hay là phía sau những phần tử
ấy hết. Tất cả chỉ là một dòng chảy liên tục của năng lượng, của sự sống.
Ngồi yên đó, tôi hoàn toàn trở thành là một với cây bắp cải.
Thấy rõ được chính mình
Tôi nhớ trong nhà thiền có kể câu chuyện, trong một lần thuyết pháp đức
Phật chỉ cầm một cành hoa và đưa lên. Ngài không nói một lời nào, chỉ đưa
lên một cành hoa thôi. Và nơi mảnh vườn nhỏ bé này, ngay lúc đó, tôi hiểu
được rằng, chỉ trong một giây phút nhìn sâu sắc vào một sự kiện, hay một
kinh nghiệm, hay một đồ vật, hay một người nào đó, ta sẽ có thể trải nghiệm
được hết tất cả những quy luật của thiên nhiên, và chân lý của sự sống.
Trong giây phút ấy, bổng dưng tôi nhìn tất cả sự vật từ một góc độ hoàn
toàn mới lạ. Tôi thấy rõ rằng tất cả mọi vật chung quanh ta, tự nó đều không
hề có một thực thể nào hết. Và ngay chính chúng ta cũng không có một cái
tôi cố định và bất biến nào mà ta cần phải tranh đấu để chiến thắng nó.
Trên con đường tu tập, không phải chúng ta đối diện với một kẻ thù hung
hãn là một cái tôi cần phải vượt thắng và loại trừ. Mà thật ra là làm sao ta
thấy rõ được tự tánh của mọi sự vật, và quan trọng hơn hết là tự tánh của
chính mình, our true nature.
Do một cái thấy sai lầm
Cũng ví như nếu ta muốn làm ngã một cây trong rừng, phương cách hữu
hiệu và trực tiếp nhất là ta hãy tìm cách bứng nhổ nó lên cho tận gốc. Gốc rễ
của cây ấy, của những muộn phiền và sợ hãi trong đời sống hằng ngày của
ta, chính là cái thấy sai lầm của mình. Chúng ta có thể bước đến, lặt từng
chiếc lá một, bẻ từng nhánh con, rồi chặt từng cành cây, xong rồi ta bắt đầu
lột vỏ cây ra, chặt đẽo thân cây từng chút một, để cuối cùng đi xuống đến rễ.
Hay là ta chọn một phương cách trực tiếp và hữu hiệu hơn.
Trên con đường tu tập, ta chỉ có một công việc duy nhất là nhận ra cái
thấy sai lầm của chính mình. Một cái thấy sai lầm chính là gốc rễ của những
muộn phiền và bất an trong cuộc sống của chúng ta. Tất cả mọi cố gắng của
ta là làm sao để mình có được một tuệ giác, một cái nhìn sáng tỏ và rộng lớn
hơn. Chúng ta không cần phải vất vả với từng nhành cây, từng chiếc lá… thật
ra ta chỉ cần nhìn cho rõ để thấy được tự tánh của mọi vật mà thôi.
Bài kinh từ cây cải bắp
Tôi có được một giây phút kỳ diệu ấy nơi miếng vườn bé nhỏ trong một
tu viện ở Benares, giữa một nơi chốn ồn ào và náo nhiệt. Tôi cũng cảm thấy
hơi chút xấu hổ vì một cây bắp cải “thấp hèn” đã là một phương tiện trong
lúc đó giúp làm sáng tỏ cái nhìn của mình…
Tôi không tưởng được là có một bài kinh nào có tựa đề là Kinh Cải Bắp.
Nhưng thì đó, có cây bắp cải ấy, tầm thường, bình dị, không màu mè, không
phô trương… và có tôi ở đó chợt hiểu và thấy rõ được sự sống của mình hơn
trên con đường tu tập.
Sharon Salzberg
Duy Nhiên dịch

HẠNH PHÚC CHẲNG NẰM Ở ĐÂU XA


Nếu hạnh phúc là thứ tìm có thể thấy thì có lẽ con người chẳng phải nếm
mùi khổ đau nhiều như vậy. Nếu hạnh phúc là thứ ẩn nấp để cùng con người
tham gia trò trốn tìm thì cuộc sống này liệu có còn thời gian cho yêu thương?
Vì thế, hãy dừng cuộc tìm kiếm hạnh phúc ấy lại bởi nó không phải là
đích đến mà nó là thứ luôn hiện hữu song hành bên ta, chỉ vì ta quá bận rộn
với cuộc sống bộn bề mà ta quên mất nó đấy thôi. Hạnh phúc ở đâu ?
Hạnh Phúc Nằm Ở Đôi Môi Của Bạn Đấy.
Một đôi môi biết mỉm cười và biết nói lời yêu thương chính là cửa ngõ
dẫn đến hạnh phúc an nhiên của con người.
Nếu bạn chỉ biết than vãn, chỉ biết oán trách những trớ trêu của cuộc đời,
chỉ biết dùng lời nói để chê bai, mỉa mai, công kích người khác thì đừng hỏi
“Vì sao tôi không thấy hạnh phúc”. Hãy nói về những yêu thương tốt đẹp,
hãy mỉm cười với cuộc sống xung quanh, hãy dành những lời ngọt ngào cho
những người bạn yêu quý và bạn sẽ thấy hạnh phúc nảy nở từ đôi môi.
Hạnh Phúc Nằm Ở Sự Tha Thứ.
Chẳng có ai ôm trong lòng mối hận thù mà cảm thấy vui vẻ và thoải mái
cả. Có thể, họ đã làm tổn thương bạn, họ đã phản bội lòng tin và hằn trong
lòng bạn một vết thương sâu hoắm và nhức nhối nhưng hãy đặt tay lên ngực
mình và dặn với chính mình “Cuộc đời này vốn không đủ dài để yêu thương
chỉ sao lại phí hoài nó cho hận thù”
Vì thế, bằng cách này hay cách khác, hãy quên đi những vết thương và
quên đi người để lại vết thương ấy, bạn cho đi sự tha thứ cũng chính là cách
bạn tự cho chính mình một món quà chứ đầy hạnh phúc và an nhiên.Tôi
không chắc chúng ta có thể lại tin, lại yêu người ấy như chưa có chuyện gì
nhưng chỉ cần bản thân tha thứ được thì ta sẽ lại có thể mỉm cười khi giáp
mặt nhau. Như vậy, không phải sẽ tốt hơn sao.
Hạnh Phúc Nằm Ở Chữ Cho Chứ Không Phải Chữ Đòi.
Hãy cho đi những thứ bạn muốn nhận rồi cuộc đời sẽ trả lại cho bạn
những điều mà bạn muốn, có thể nó không đến từ người bạn cần nhưng
chắc chắn rằng trong dòng đời sau này, sẽ có người cho bạn lại những điều
như thế.
Đừng đòi hỏi điều gì khi bản thân không làm được. Sự hụt hẫng khi điều
mình muốn không được đáp lại rất dễ đẩy bạn vào hố sâu của thất vọng.
Vì thế, đừng tự giết cảm xúc của mình chỉ vì những đòi hỏi cho thỏa mãn
cảm xúc của bản thân, hãy học cách cho đi thật nhiều, cuộc sống này, không
để bạn chịu thiệt thòi đâu.
Hạnh Phúc Là Khi Bạn Biết Đủ.
Nói theo kiểu dân gian là “cái gì quá cũng không tốt”.
Yêu thương quá sinh ra gò bó, quan tâm quá sẽ khiến mất tự do, ghen
tuông quá cũng mất vị tình yêu và cái gì cũng thế, chạm đến chữ Đủ sẽ chạm
được hạnh phúc tròn vị.
Đừng chạy theo cái gì quá hoàn chỉnh và cũng đừng ép bản thân phải trở
nên quá hoàn hảo, yêu thương vừa đủ, ấm áp vừa đủ, quan tâm vừa đủ và
bên nhau vừa đủ có lẽ sẽ hạnh phúc hơn.
Và hạnh phúc chẳng nằm ở đâu xa, nó nằm ngay trong trái tim của chính
ta, khi bản thân chông chênh mệt mỏi, hãy đặt tay lên tim và tự nỏi “Rồi mọi
thứ sẽ ổn”.
Khi nỗi buồn xâm chiếm tâm trí và cô đơn thống trị lấn át hạnh phúc, hãy
tìm một khoảng không gian riêng với những bản nhạc ta yêu, những món
ăn ta thích và tự nói với lòng “Hết hôm nay thôi nhé, ngày mai ta sẽ lại mỉm
cười”.
Đừng gắng gượng, hãy đối diện và tìm cách giải tỏa nỗi buồn và mang
hạnh phúc quay về. Hạnh phúc của ta nên tự ta xây lấy, đừng chạy theo
người khác để thỏa mãn lòng họ và mang về thứ hạnh phúc ảo sẽ chết theo
thời gian.
Mây Vô Danh
Namo Buddhaya

BỐN BÀI HỌC TỪ CHÂN LÝ NHÀ PHẬT


Thứ 1: Nguyện Làm Điều Lành – Nguyện Tránh Điều Dữ
Đây là hai lời nguyện căn bản của Phật tử khi bắt đầu học Phật, phát
nguyện quy y Tam bảo và được chư tôn đức dặn: “Hãy nhớ nguyện làm tất
cả việc lành, nguyện đoạn tất cả việc ác, lời chư Phật dạy không ngoài điều
đó.”
Con người ta thường ít nhận ra, chỉ cần một niệm xấu khởi lên, một lời
nói không lành đã có thể mang tới điều không hay cho tự thân (trước tiên),
vì mình vừa gieo nhân và tạo duyên xấu. Nhân đó, duyên đó sẽ đưa quả
(xấu) tương ứng. Do vậy, hại người hay muốn hại người chính là một cách
tự hại mà người thấu rõ nhân-duyên-quả sẽ rất sợ, đúng như tinh thần “Bồ-
tát sợ nhân, chúng sanh sợ quả”.
(Trích sách: Bình an mà sống)
Thứ 2: Được – Mất Tùy Duyên Phận
Đức Phật nói: “Mắt vướng bụi trần thì tam giới cũng chật, tâm không
vướng bận thì một chiếc giường cũng rộng thênh thang”. Chỉ cần tâm bất
biến giữa dòng đời vạn biến thì vinh nhục, thị phi, được mất nhất thời đều
không thể ảnh hưởng đến chúng ta. Và thế giới trong tim ta sẽ rộng lớn vô
hạn dẫu không gian bên ngoài có nhỏ bé, chật hẹp. Người thông minh
thường thản nhiên chấp nhận và tích cực tìm cách giải quyết những phiền
não trong đời.
Con người thật nhỏ bé giữa thế gian này. Có nhiều việc chúng ta không
thể nào thay đổi và chỉ có thể chấp nhận. Vì vậy, sống trên đời, được hay
mất là tùy vào duyên phận. Khi chúng ta nắm chặt hai tay, trong tay sẽ
không có gì; khi chúng ta mở rộng hai tay thế giới liền nằm trong lòng bàn
tay ta đó. Luôn muốn sống chết ôm đồm sẽ chỉ khiến cuộc sống hạnh phúc
dần trôi đi. Trên đời, có những thứ không thuộc về chúng ta, cưỡng ép cũng
chẳng được ích gì. Chi bằng hãy cứ thoải mái buông tay, nghĩ lại thì chúng
ta vẫn có thể hạnh phúc dẫu không có những thứ này. Người thuận theo
duyên số sẽ không bị trói buộc bởi vật chất, không lao tâm khổ tứ vì danh
lợi, biết đủ luôn vui vẻ, vạn sự tùy duyên có thể duy trì sự thoải mái và yên
tĩnh của tâm hồn.
Người xưa nói: “Mùa xuân có trăm hoa, mùa thu trăng sáng, mùa hạ có
gió thoảng, mùa đông có tuyết rơi. Người mà thư thái, tâm vô ưu, thời tiết
quanh năm đẹp trong lòng”. Vì vậy, thế giới bên ngoài không hề quan trọng,
quan trọng nhất là lòng người. Người hẹp hòi luôn bất mãn, luôn phàn nàn;
dù cuộc sống có suôn sẻ thì họ cũng nhìn thấy những phong ba; còn người
bao dung thì dường như luôn được như ý muốn; dù một căn phòng nhỏ
cũng trở thành thế giới bao la với họ.
(Trích sách: Nóng giận là bản năng – Tĩnh lặng là bản lĩnh)
Thứ 3: Người Dễ Nóng Giận Không Bao Giờ Có Được Hạnh Phúc
Nóng giận là thiên địch số một của hạnh phúc cuộc đời. Một người luôn
phiền não, bất an khó có thể nhận ra vẻ đẹp của cuộc sống. Ngay cả khi đi
bộ giữa một biển hoa oải hương, những gì người đó nhìn thấy chỉ là một
mảng màu tím quá dày. Vì vậy, người dễ nóng giận không bao giờ hạnh
phúc.
Những người tâm trạng thất thường, lúc lên lúc xuống có hệ miễn dịch
và hệ nội tiết bị rối loạn, não và các cơ quan nội tạng cũng sinh bệnh. Vậy
nên, một người dễ nóng giận không bao giờ có vẻ ngoài rạng rỡ.
Phật dạy: “Tướng do tâm sinh.” Cuộc sống ra sao được quyết định bởi
tâm thái thế nào. Chỉ khi con người có một tâm hồn bình thản, yên tĩnh thì
cuộc sống mới tươi sáng, rực rỡ. Nóng giận là một trong những cảm xúc
bình thường nhất và tồn tại ở mọi ngóc ngách trong cuộc sống. Làm thế nào
để không nổi giận có thể coi là một thử thách cho tất cả mọi người.
(Trích sách: Điềm tĩnh và nóng giận)
Thứ 4: Vạn Vật Vận Hành Như Nó Vốn Là Thế!
Khi bạn khao khát một điều gì đó, cả vũ trụ sẽ lặng thinh và thăm thẳm
như nó vốn là.
Bầu trời sẽ im lặng. Vốn dĩ nó chẳng phải nơi ở của các vị thần linh, chẳng
nắm giữ số phận của bạn, nó chỉ là một khoảng trống vô hạn.
Các vì sao sẽ im lặng. Chúng không có nghĩa vụ phải làm dấu mốc chỉ
đường cho bạn. Chúng đơn giản chỉ ở đó, hàng tỷ năm trước khi bạn ra đời.
Dòng sông sẽ im lặng. Nó chảy chỉ vì nó chảy, chứ nó chẳng có nghĩa vụ
gì phải khiến bạn được khai sáng hoặc chữa lành tâm hồn bạn.
Những cánh rừng sẽ im lặng. Chúng không có nghĩa vụ phải ôm ấp bạn
vào lòng khi lạc lõng và phát khùng trong xã hội thị trường bon chen.
(Trích: Kiếp người – Vĩnh cửu và Vô thường)