LƯƠNG TÂM

Một người đàn ông đến ngân hàng để rút tiền tiết kiệm. Khi đếm lại số
tiền nhận được, anh ta hơi sững lại. Thay vì 120.000 rupee , đơn vị tiền tệ của
Ấn Độ, tương đương khoảng 36 triệu VNĐ và trên giấy tờ cũng đã ghi nhận
con số này, nhưng có lẽ Giao dịch viên đã nhầm nên đã đưa cho Anh ta tới
140.000 rupee, khoảng 42 triệu VNĐ.
Thế nhưng, khi người đàn ông liếc nhìn Giao dịch viên thì thấy người này
không có biểu hiện gì là đã nhận ra sai sót, còn lịch sự chào Anh. Thấy vậy,
người đàn ông đã lẳng lặng cho tiền vào túi, rời đi trong im lặng.
Vừa đi, Anh ta vừa nghĩ, cái ngân hàng này lớn như vậy, mất có 20.000
rupee thì cũng chẳng ảnh hưởng gì tới hoạt động của họ. Mà có phải do Anh
cố tình đâu. Đây là sai sót của họ mà, họ chẳng có lý do gì để kiện tụng hay
làm khó Anh cả. Từ trước đến nay, Anh cũng thi thoảng trả nhầm tiền cho
người khác, nhưng có Ai đến tìm Anh để trả lại đâu. Vì sao Anh phải trả lại
tiền cho Ngân hàng. Cứ như thế, người đàn ông đã nghĩ ra đủ thứ lý do cho
việc “ỉm” số tiền trả thừa của Ngân hàng.
Song càng đi, càng về gần đến nhà, người đàn ông lại nhớ đến nụ cười
lịch sự của Giao dịch viên. Anh ta rất tử tế, hòa nhã và còn cảm ơn lúc Anh
rời đi nữa mà chẳng hề hay biết chuyện gì đang xảy ra.
Không biết Anh ta có phải đền số tiền này cho Ngân hàng không nhỉ?
Người đàn ông bắt đầu cảm thấy hơi có lỗi. Hai mươi ngàn rupee không
phải số tiền quá lớn, nhưng cũng chẳng phải số tiền nhỏ. Nó có thể là thu
nhập một tháng của bất kỳ người dân nào. Chẳng phải Anh đang lợi dụng
sai lầm của người khác ư?
Vậy là người đàn ông bắt đầu bồn chồn, mồ hôi túa ra khi đấu tranh tư
tưởng có nên giữ số tiền đó hay không. Anh cảm thấy hơi khó thở. Rồi cuối
cùng, Anh nhìn đồng hồ, chỉ còn một tiếng nữa là Ngân hàng đóng cửa và
quyết định đem 20.000 rupee quay lại.
Chỉ đến lúc này, sự căng thẳng trong Anh mới bắt đầu giảm đi.
Khi nhận xong số tiền thừa từ người đàn ông, anh chàng Giao dịch viên
mới bắt đầu thở phào và cảm ơn Anh rối rít. Anh ta lấy 1000 rupee từ trong
túi của mình để cảm ơn người đàn ông và nói:

  • Cảm ơn Anh rất nhiều. Hôm nay, Anh đã giúp tôi một việc lớn đấy. Tôi
    đang lo sẽ phải bù tiền lương của mình vào chỗ tiền bị nhầm lẫn. Thật hiếm
    có người nào trung thực như Anh. Anh hãy nhận số tiền ít ỏi này của tôi
    thay cho lời cảm ơn và mua bánh kẹo cho các Con của Anh nhé.
    Người đàn ông nghe những lời nói này, vừa xúc động vừa lại có chút hổ
    thẹn. Chẳng phải ban đầu, Anh đã định ỉm đi hay sao? May mắn là cuối
    cùng, Lương tâm của Anh đã chiến thắng.
  • Thực ra tôi mới là người phải cảm ơn Anh đấy. Lẽ ra tôi mới là người
    phải tặng Anh số tiền này. Vì thế, tôi xin phép không nhận món quà của
    Anh. Người đàn ông từ tốn đáp.
    Giao dịch viên lấy làm lạ mới hỏi lại Vị khách tại sao lại nói thế.
    Anh nói:
  • Hai mươi ngàn rupee Anh trao nhầm đã cho tôi cơ hội được tự đánh giá
    bản thân mình. Nếu không có sự nhầm lẫn của Anh, tôi sẽ không biết việc
    chiến đấu với lòng Tham của bản thân lại khó khăn đến thế. Tôi đã mất hàng
    giờ để suy nghĩ để đấu tranh tư tưởng và may mắn là cuối cùng tôi đã làm
    đúng. Tôi đã vượt qua được sự Tham lam, Ích kỷ để chiến thắng và giữ được
    sự Trung thực.
    Đây đúng là một cơ hội hiếm có. Vì thế, người tôi muốn cảm ơn là Anh.
    Copy FB PHUONG TRAN

DÍNH MẮC HAY KHÔNG CŨNG DO MÌNH

Một thời, Thế Tôn trú tại Sàvatthi, Ngài nói với các Tỷ kheo:
Này các Tỷ kheo, tại núi chúa Tuyết sơn, có khoảnh đất bằng phẳng,
khả ái, có các loài vượn và loài người qua lại. Tại đấy, những người thợ
săn đặt các bẫy nhựa trên đường để bắt những con vượn.
Ở đây, này các Tỷ kheo, những con vượn nào tánh không ngu si, không
tham ăn, thấy bẫy nhựa liền tránh xa. Còn con vượn nào ngu si, tham ăn,
thấy bẫy nhựa ấy, thò tay nắm lấy và bị dính vào đấy. “Ta sẽ gỡ bàn tay
ra”, nó thò bàn tay khác vào liền bị dính. “Ta sẽ gỡ hai tay ra”, nó giơ chân
nắm lấy và bị dính. “Ta sẽ gỡ hai tay và bàn chân ra”, nó đưa chân khác
vào và bị dính. “Ta sẽ gỡ cả hai tay và hai chân ra”, nó dùng miệng ngậm
vào và bị dính luôn ở đấy.
Như vậy, này các Tỷ kheo, con vượn bị dính năm chỗ, nằm rên la, rơi
vào bất hạnh. Người thợ săn đâm chết nó và nướng nó trên đống củi.
Cũng vậy, này các Tỷ kheo, nếu đi đến chỗ không phải hành xứ của
mình, chỗ cảnh giới của người khác là sắc, thanh, hương, vị và xúc khả lạc,
khả ý, hấp dẫn… Ác ma sẽ nắm được cơ hội, sẽ bắt được đối tượng…
(Tương Ưng Bộ V, chương 3, phẩm Ambapàli, phần Con vượn [lược])
LỜI BÀN:
Sống ở trên đời, ai mà không thích được sở hữu năm món dục lạc. Sắc
đẹp, tiếng hay, hương thơm, vị ngọt và xúc chạm êm ái luôn là mục tiêu tìm
kiếm nhằm chiếm hữu của con người. Miệt mài chạy theo ngũ dục, không
bao giờ biết dừng lại đã dẫn không ít người đến bi kịch bị trói buộc, bị dính
mắc và trở thành nô lệ của ngũ dục mà không tự biết.
Ngũ dục rất hấp dẫn đồng thời cũng rất nguy hiểm, luôn rình rập như
những chiếc bẫy. Cạm bẫy ngũ dục rất êm ái, được thiết kế bằng một chất
keo siêu dính, một khi đã vướng vào thì con mồi càng vùng vẫy thì lại càng
bị dính chặt. Chết trong ngũ dục là chết ngộp, tuy không đau đớn thậm chí
còn ngọt ngào, ngũ dục trói chặt và nhận chìm con mồi cho đến chết.
Như con vượn ngu si và tham ăn kia, khi đã dính vào bẫy nhựa càng xoay
xở để thoát ra thì lại càng bị dính chặt hơn. Điều đáng lưu ý ở đây là khi đã
dính vào một chi ắt dính luôn các chi còn lại. Con vượn bị dính vào năm chỗ,
tứ chi và miệng, để rồi nằm rên la và kết quả phải đến là bị người thợ săn
đâm chết rồi nướng cháy trên ngọn lửa.
Cũng vậy, ác ma luôn giăng bẫy ngũ dục để chờ đón những Tỷ kheo.
Trong xã hội phát triển, ngũ dục thịnh hành và tất nhiên sự thành công của
ác ma không phải là ít. Như những con vượn khôn ngoan kia không đi vào
vùng có giăng bẫy, nếu phải đi vào vùng có bẫy thì cảnh giác, tránh xa.
Người sơ tâm học Phật không nên đi vào ngũ dục, chỗ không phải hành xứ
của mình. Không những thế mà đi đúng vào hành xứ của Tỷ kheo tức thực
hành Tứ niệm xứ, được vậy, ác ma sẽ không còn cơ hội, không thể nào nắm
bắt.
QUẢNG TÁNH

LỜI HAY Ý ĐẸP


1- Người giàu không phải là người có nhiều mà là người cho nhiều.
2- Thước đo giá trị của kiếp người không phải là tuổi thọ mà là sự cống
hiến.
3- Trưởng thành không phải là khi ta Nói về những điều lớn lao mà là khi
ta Làm được những điều nhỏ bé.
4- Mục đích tối thượng của đời người không phải là kiến thức mà là hành
động.
5- Lời xin lỗi không phải lúc nào cũng có nghĩa là bạn sai và người kia
đúng. Điều ấy chỉ có nghĩa rằng bạn coi trọng mối quan hệ với người ấy hơn
cái tôi của bạn mà thôi.
6- “Một người tươi cười không có nghĩa là họ không có nỗi buồn. Điều
đó có nghĩa là họ có khả năng đối phó với nỗi buồn đó.” – Shakespeare
7- “Tha thứ cho người khác, không phải vì họ xứng đáng được thứ tha mà
bởi vì bạn xứng đáng được thanh thản.” – Jonathan Lockwood Huie
8- Nơi lạnh nhất không phải là Bắc Cực mà là nơi không có tình người.
Sưu Tầm

HÃY BÌNH TĨNH KHI BẠN BỊ CHÊ BAI

Ngày xưa, có một họa sĩ tên là Ranga, một người siêu việt, vẽ được rất
nhiều kiệt tác đáng ghi nhớ khiến ai cũng đều khen ngợi.
Ông mở một lớp học mỹ thuật để dạy nghề cho mọi người và cũng để tìm
đệ tử nối nghiệp.
Trong một số lượng lớn học trò, Rajeev là một người có tài nhất, chăm
chỉ, sáng tạo, nên anh ta tiếp thu nhanh hơn nhiều so với các bạn đồng môn.
Ông Ranga rất hài lòng về Rajeev.
Một ngày kia, sau bao nhiêu cố gắng, Rajeev được ông Ranga gọi đến và
bảo:

  • Ta rất tự hào về những tiến bộ mà con đã đạt được. Bây giờ là thời điểm
    con làm bài thi cuối cùng trước khi ta công nhận con thực sự là một họa sĩ
    tài năng. Ta muốn con vẽ một bức tranh mà ai cũng phải thấy đẹp, phải khen
    ngợi.
    Rajeev làm việc ngày đêm, trong rất nhiều ngày và đem đến trình thầy
    Ranga một bức tranh tuyệt diệu. Thầy Ranga xem qua rồi bảo:
  • Con hãy đem bức tranh này ra đặt ở quảng trường chính, để tất cả mọi
    người có thể chiêm ngưỡng. Hãy viết bên dưới bức tranh là tác giả sẽ rất biết
    ơn nếu bất kỳ ai có thể chỉ ra bất kỳ sơ sót nào trên bức tranh và đánh một
    dấu X vào chỗ lỗi đó.
    Rajeev làm theo lời thầy: đặt bức tranh ở quảng trường lớn với một thông
    điệp đề nghị mọi người chỉ ra những sơ sót.
    Sau hai ngày, Ranga đề nghị Rajeev lấy bức tranh về.
    Rajeev rất thất vọng khi bức tranh của mình đầy dấu X. Nhưng thầy
    Ranga tỏ ra bình tĩnh và khuyên Rajeev đừng thất vọng, cố gắng lần nữa.
    Rajeev vẽ một kiệt tác khác, nhưng thầy Ranga bảo phải thay đổi thông
    điệp dưới bức tranh. Thầy Ranga nói phải để màu vẽ và bút ngay cạnh bức
    tranh ở quảng trường và đề nghị mọi người tìm những chỗ sai trong bức
    tranh và sửa chúng lại bằng những dụng cụ để vẽ ấy.
    Hai ngày sau, khi lấy tranh về, Rajeev rất vui mừng khi thấy bức tranh
    không bị sửa gì hết và tự tin đem đến chỗ Ranga. Ranga nói:
  • Con đã thành công vào ngày hôm nay. Bởi vì nếu chỉ thành thạo về mỹ
    thuật thôi thì chưa đủ, mà con còn phải biết rằng con người bao giờ cũng
    đánh giá bừa bãi ngay khi có cơ hội đầu tiên, cho dù họ chẳng biết gì về điều
    đó cả. Nếu con luôn để cả thế giới đánh giá mình, con sẽ luôn thất vọng. Con
    người thích đánh giá người khác mà không nghĩ đến trách nhiệm hay
    nghiêm túc gì cả. Mọi người đánh những dấu X lên bức tranh đầu tiên của
    con vì họ không có trách nhiệm gì mà lại cho đó là việc không cần động não.
    Nhưng khi con đề nghị họ sửa những sơ sót thì không ai làm nữa, vì họ sợ
    bộc lộ hiểu biết – những thứ mà họ có thể không có. Nên họ quyết định tránh
    đi là hơn.
    Cho nên, những thứ mà con phải vất vả để làm ra được, đừng dễ dàng bị
    ảnh hưởng bởi đánh giá của người khác. Hãy tự đánh giá mình. Và tất nhiên,
    cũng đừng bao giờ đánh giá người khác quá dễ dàng.

TU MÓT LẠI NHIỀU HƠN TU THỜI KHÓA

Mót thời gian để tu đừng bỏ qua, gặp việc thì làm việc, rảnh việc thì nhiếp
tâm niệm Phật, niệm Pháp, niệm Tăng.
Chúng ta ở thời Mạt này lăn lóc ở trong ồn náo, nhiều chuyện, nhiều việc,
đông người.
Cho nên, tôi thường nhắc nhở sự tu hành của mình giống như là tu mót.
Được một phút thì tốt một phút,
Được một giờ thì tốt một giờ,
Thế nên đừng bỏ qua việc tu mót.
Ví như những người ở quê ngày xưa đi mót lúa, tuy chỉ mót lúa nhưng
vẫn nuôi thân được, nuôi gia đình được, đủ lúa đủ gạo để ăn.
Mình đây cũng vậy, nếu cố gắng mót thì cũng được đầy đủ nơi đạo pháp,
nuôi lớn Pháp thân huệ mạng của chính mình.
Nếu huynh đệ thực hành một thời gian rồi nghiệm lại, giờ tu mót lại nhiều
hơn thời khóa tu hành.
“Vì thế nếu bỏ qua thì bỏ phí rất nhiều thời gian”.
Ai cũng có công việc hết, nhưng rồi cũng có xen kẽ, lúc tâm trí mình được
rảnh rang thì gắng giữ ba điều:
“Niệm Phật, niệm Pháp, niệm Tăng”.
Được vậy, phóng dật bớt dần lại, tương ưng với phần tinh tấn. Nếu trọn
đời mình sống trong chánh Pháp của Đức Phật thì đường đạo mỗi ngày sẽ
mỗi tăng tiến lên.
Đại lão Hoà thượng Thích Trí Tịnh

PHẬT DẠY: TỔN THẤT LỚN NHẤT CỦA ĐỜI NGƯỜI


Một thời Thế Tôn trú ở Vesàli, tại Đại Lâm, dạy các Tỷ-kheo:
Này các Tỷ-kheo, có năm điều tổn thất này. Thế nào là năm?

  1. Tổn thất bà con
  2. Tổn thất tài sản
  3. Tổn thất vì bệnh tật
  4. Tổn thất giới
  5. Và tổn thất tri kiến.
    Này các Tỷ-kheo, không do nhân tổn thất bà con, không do nhân tổn
    thất tài sản, không do nhân tổn thất vì bệnh tật mà các loài hữu tình sau
    khi mạng chung sinh vào cõi dữ, ác thú, đọa xứ, địa ngục.
    Này các Tỷ-kheo, chính do nhân tổn thất giới, tổn thất tri kiến mà các
    loài hữu tình sau khi mạng chung sinh vào cõi dữ, ác thú, đọa xứ, địa ngục.
    Này các Tỷ-kheo, có năm tổn thất này.
    (Tăng Chi Bộ II, chương 5, phẩm Bệnh, phần Thành tựu [trích],)
    LỜI BÀN:
    Có thể nói, tổn thất và mất mát là thuộc tính cơ bản của đời sống. Những
    gì ta đang có hôm nay sẽ rời bỏ chúng ta ra đi bất cứ lúc nào. Nếu may mắn,
    những gì ta yêu thương luôn gắn bó thì một ngày nào đó chúng ta cũng phải
    lìa bỏ nó. Bởi chẳng ai có thể đem theo bất cứ vật gì khi nhắm mắt, xuôi tay;
    có chăng là nghiệp lực của chính mình.
    Mất mát dẫu không ai muốn nhưng đó là sự thật, vấn đề là xác định tổn
    thất cái gì trong cuộc đời là to lớn nhất. Tài sản chăng? Người ta thường an
    ủi nhau của đi thay người. Mất của thì có thể làm lại được. Những người
    thân mất đi là tổn thất lớn, vì người chết không bao giờ sống lại và chúng ta
    mất các điểm tựa quan trọng trong đời. Bệnh tật, hoạn nạn đã cướp đi một
    phần sức khỏe và thân thể cũng là tổn thất lớn. Tuy vậy, những tổn thất này
    dù lớn nhưng chỉ ảnh hưởng đến trong đời này.
    Theo tuệ giác của Thế Tôn, đánh mất nhân cách đạo đức (giới) và không
    nhận thức đúng đắn (tri kiến) là tổn thất lớn nhất. Chính sự suy thoái đạo
    đức và những quan niệm sống lệch lạc, tà kiến là nguyên nhân chủ yếu dẫn
    đến sa đọa, tạo ra khổ đau cho mình và người trong hiện tại và cả tương lai.
    Ngày nay xã hội đang báo động về băng hoại đạo đức, tha hóa nhân cách
    dẫn đến sự gia tăng tham nhũng, hủ hóa, suy đồi và các tệ nạn xã hội…
    Những biểu hiện tiêu cực này luôn đi kèm với nhận thức không đúng đắn,
    quan niệm sống lầm lạc như thực dụng, hưởng thụ, tuyệt đối hóa sức mạnh
    của đồng tiền, bất chấp nhân quả, tội phước v.v… Chính các hành vi xấu ác
    phát xuất từ quan điểm sai lầm là tác nhân của đọa lạc vào ác thú, cõi dữ và
    địa ngục.
    Do vậy, người con Phật nhận thức sâu sắc lời Phật dạy, luôn thiết lập và
    duy trì nền tảng đạo đức bằng cách giữ gìn năm giới cấm. Quan trọng hơn,
    kiện toàn nhận thức và quan điểm sống theo chánh kiến: thấy biết đúng chân
    lý, tin sâu nhân quả tội phước, làm lành tránh dữ, tương thân tương ái, chia
    sẻ khổ đau mất mát với mọi người…
    QUẢNG TÁNH

BUÔNG BỎ ĐỂ TU HÀNH

Ananda Krishnan là 1 trong 29 tỷ phú giàu có nhất Đông Nam Á và là
người giàu thứ 361 trên thế giới năm 2020. Ông là chủ tịch tập đoàn Usaha
Tegas và là một trong những nhân vật hàng đầu trong lĩnh vực truyền thông
và viễn thông ở Malaysia.
Vị tỷ phú này là ông chủ của đế chế truyền thông bao gồm hai công ty
viễn thông Maxis Communications và Methat Broadcast Network Systems
(Astro) và ba vệ tinh liên lạc quay quanh trái đất. Ông còn biết đến như là
cha đẻ của toà tháp đôi Petronas nổi tiếng của Malaysia.
Theo thống kê của Forbes năm 2020 ông Krishnan sở hữu khối tài sản 5,3
tỷ USD và là người giàu thứ 3 tại Malaysia.
Ông sinh năm 1938 và vợ ông là Momwajarongse Suprinda Chakraban,
hậu duệ của hoàng gia Thái Lan, hai người có một người con trai là Ajahn
Siripanno (sinh năm 1989).
Theo tờ Bloomberg, Ajahn từng du học ở Anh và nói được 8 thứ tiếng.
Con đường tương lai của Ajahn được dự đoán sẽ là tiếp nối sự nghiệp của
cha mình. Nhưng vào năm 18 tuổi Ajahn trở về quê mẹ ở Thailand để tham
gia một khóa tu ngắn hạn ở Tu viện Dtao Dum, và ngay chính thời gian này
cơ duyên đã đưa anh đến với Phật giáo, Ajahn đã tìm thấy niềm vui, sự
thanh thản trong lúc tu hành, anh đã quyết định quy y cửa Phật và gắn bó
cả đời với việc tu tập.
Cha của anh, tỉ phú T. Ananda Krishnan mất liên lạc với người con trai
duy nhất của mình. Sau nhiều lần tìm kiếm, ông T. Ananda Krishnan bất
ngờ khi nhìn thấy con trai trong chiếc áo vàng, bình bát trên tay đang đi khất
thực tại một ngôi chùa ở Thái Lan.
Tỷ phú T. Ananda Krishnan đã tiến lại gần và nói với cậu con trai là muốn
ăn một bữa cơm chung sau nhiều năm xa cách. Tuy nhiên, lúc này Ajahn
Siripanno đã là nhà sư nhẹ nhàng trả lời: “Con xin lỗi cha nhưng con không
thể nhận lời mời của cha được, con phải đi khất thực như các bạn đồng tu
khác”.
Quá bất ngờ trước lời từ chối của con trai, tỷ phú T. Ananda Krishnan
chia sẻ: “Với tất cả tài sản trong sự nghiệp của mình, tôi vẫn không thể mời
được con trai một bữa cơm”.
Trong một buổi nói chuyện tại chùa Maha Vihara, Malaysia, nhà sư Ajahn
Siripanno cho biết ông chưa bao giờ có ý định để trở thành một người tu
hành cho tới khi được đến thăm và trò chuyện với Thiền sư Ajahn Chah –
một vị cao tăng nổi tiếng về pháp Thiền trong Phật giáo Theravada. Sau lần
gặp gỡ đầu tiên và duy nhất đó, tư tưởng của Ajahn Siripanno đã thay đổi
và quyết tâm lựa chọn con đường riêng cho bản thân, con đường đến với
Phật giáo.
Câu chuyện xuất gia của nhà sư Ajahn Siripanno là ví dụ điển hình cho
việc tiền tài và vật chất không phải là cái đích đến cuối cùng trong cuộc sống.
Nhà sư Ajahn Siripanno đã bỏ lại tất cả khối tài sản khổng lồ của người cha
tỉ phú để tìm kiếm sự bình an trong cõi tu hành.
Đức Đạt Lai Lạt Ma từng nói: “Dù cho dân số năm tỷ người hiện đang
sống trên trái đất này trở thành triệu phú hết, nhưng thiếu vắng sự an lạc
nội tâm thì con người vẫn không thể có sự bình an và hạnh phúc lâu dài” và
“Nếu tiền bạc, của cải, quyền lực mang đến sự an vui thì có lẽ những vị vua
chúa hay các vị lãnh đạo đất nước đều đã được an vui hết rồi”.
Vì vậy, hãy học cách buông bỏ để tìm kiếm những giá trị đích thực trong
cuộc sống và sự yên bình trong tâm hồn của mỗi người.
SƯU TẦM