DƯ DẢ DỄ SINH TẬT

Một thời, Thế Tôn trú ở Sàvatthi. Rồi vua Pasenadi nước Kosala đi đến,
bạch Thế Tôn: Ở đây, bạch Thế Tôn, trong khi con đang ngồi yên tịnh một
mình, tư tưởng này khởi lên nơi con:
“Ít thay là những người trong đời này, sau khi được tài sản phong phú,
dồi dào lại có thể không bị lôi cuốn, không bị chìm đắm, không bị say mê
trong các dục và không có những hành vi không tốt đẹp đối với các người
khác. Trái lại, thật là nhiều thay, những người trong đời này, sau khi được
tài sản phong phú, dồi dào lại có thể bị lôi cuốn, bị chìm đắm, bị say mê
trong các dục và có những hành vi không tốt đẹp đối với các người khác”.
Thật sự là như vậy, thật sự là như vậy, thưa Đại vương:
“Loài người bị đắm say
Trong tài sản, trong dục
Họ tham lam, điên dại
Trong các dục ở đời
Không ý thức rõ ràng
Đã quá độ mê say
Chẳng khác gì con nai
Không thấy đặt bẫy sập
Về sau họ khổ đau
Chịu quả báo ác nghiệp”.
(Tương Ưng Bộ I, chương 3, phẩm 1, phần Thiểu số )
LỜI BÀN:
Thường thì chúng ta hay quy kết cho đói nghèo là nguyên nhân chủ yếu
của các tệ nạn xã hội. Thế nhưng khi con người và xã hội giàu có lên cũng
không hẳn là giảm bớt đi những tệ nạn ấy, đôi khi lại còn trầm trọng hơn.

Giàu lên bằng sự làm ăn chân chính là điều ai cũng mong muốn. Khi chia
tay với cái đói nghèo, sánh vai cùng khấm khá, giàu sang nhưng chớ ảo
tưởng rằng ta đã thành công, đang neo thuyền đời nơi bến bờ hạnh phúc.
Thực tế cho thấy không phải hễ “có tiền thì mua tiên cũng được”. Sự đổi đời,
giàu lên nhanh chóng dễ dàng tạo ra chênh vênh, lúng túng thậm chí lệch
lạc trong nhận thức cũng như hành động và đem đến không ít bất hạnh trong
đời.
Khi trong tay có tiền, nếu không biết làm chủ bản thân, tư tưởng hưởng
thụ bất chính bắt đầu trỗi dậy. Không ít các trò đua đòi chưng diện xa hoa,
ăn chơi trác táng và tệ hại hơn là quan niệm sống hưởng thụ, trụy lạc, sa đọa
bắt đầu từ đây. Bằng chứng là những con nghiện, các “anh hùng xa lộ”,
những dân chơi “lắc” thâu đêm suốt sáng ở vũ trường v.v… hiện nay phần
lớn đều là người giàu hoặc con cái nhà giàu.
Đó là chưa kể đã giàu lại mong muốn giàu thêm. Có tiền sanh ra đủ tật:
ăn nhậu, bài bạc, chơi bời, chim chuột… và để bù cho những khoản chi vì
các tật xấu ấy nên mới có tham quan, hối lộ, bòn rút của công hoặc không có
chức quyền thì trộm cướp, buôn lậu, lừa đảo. Và hậu quả là không ít gia đình
tan vỡ hạnh phúc vì cái giàu, tù tội và hối hận vì sự ham giàu, mất niềm tin
với cuộc sống dù cho giàu có, dư dật.
Như vậy, giàu có về vật chất là điều cần đạt được nhưng phải song hành
với sung mãn về đạo đức, tinh thần. Mất cân đối giữa giàu sang về vật chất
và tinh thần là hiểm họa. Do vậy, cùng làm giàu vật chất và thăng hoa tinh
thần là mục tiêu của tất cả những người con Phật.
QUẢNG TÁNH

HẠNH PHÚC RẤT ĐƠN GIẢN, BIẾT BẰNG LÒNG VỚI CUỘC SỐNG

  1. Hạnh phúc hay không, nó chỉ phụ thuộc vào những gì trái tim bạn cảm
    nhận. Nếu bạn luôn cảm thấy mình tiền bạc không bằng người khác, địa vị
    không cao bằng người khác, quyền lợi không bằng người khác, con cái
    không thông minh như người khác, tự nhiên bạn sẽ không cảm thấy hạnh
    phúc. Bất hạnh thường đến từ bản thân, rắc rối thường đến từ sự so sánh, và
    nỗi đau thường đến từ sự bất mãn. Một tấm lòng tốt, mọi thứ đều tốt, một
    tấm lòng đẹp, mọi thứ đều đẹp. Học cách hài lòng và sống hạnh phúc từng
    giây phút để sống ngày càng tốt hơn.
  2. Những việc trong quá khứ hãy để năm tháng giải quyết còn những
    việc trong tương lai thì để thời gian chứng minh. Điều chúng ta thực sự cần
    làm là nắm chắc ngày hôm nay và khiến bản thân của ngày hôm nay tốt hơn
    ngày hôm qua. Cuộc đời ngắn lắm, đừng để phải hối tiếc, hãy tin rằng mọi
    thứ đều là sự an bài tốt nhất, cũng hãy tin rằng bằng nỗ lực của bản thân,
    bạn có thể sống một cuộc đời mình muốn và có được một cuộc sống viên
    mãn.
  3. Trong cuộc sống, hãy chào hỏi tử tế, không chỉ chào đón những người
    yêu quý, mà còn còn là những lời chúc may mắn, tốt lành. Hòa hợp là một
    loại trí tuệ, và hòa hợp là một loại phẩm chất. Hòa đồng với người khác là
    điều đáng quý nhất, đừng nghiêm trọng hóa những chuyện giản đơn, đừng
    than phiền khi gặp khó khăn, giúp đỡ người khác khi gặp khó khăn, hãy ghi
    nhớ, giúp đỡ người khác cùng vượt qua. Hãy theo đuổi những gì bạn đang
    tìm kiếm, bước đi trên con đường của riêng bạn và sống cuộc đời của chính
    bạn. Hạnh phúc thực sự nằm trong từng khoảnh khắc.
  4. Sự mãn nguyện là một thái độ đối với cuộc sống. Chỉ bằng cách học
    bằng lòng, chúng ta mới có thể kiên trì theo đuổi mục tiêu cuộc sống trong
    xã hội ngày nay; bằng cách học bằng lòng, chúng ta có thể đối mặt với mọi
    thứ trước mắt với một tâm lý tách biệt; bằng cách học hài lòng, chúng ta có
    thể làm cho cuộc sống tươi sáng hơn và cảm nhận được nhiều hơn. Mong
    mọi người vượt qua chính mình, bớt bướng bỉnh, linh hoạt hơn, bớt phàn
    nàn và chân thành hơn, để cuộc sống tràn ngập nắng ấm.
  5. Hạnh phúc thực ra là một trạng thái của tâm trí. Cái gọi là cuộc sống
    không thể gắn bó với bầu trời, hạnh phúc nằm ở trái tim. Chỉ cần có ánh
    nắng trong tim, cho dù có chuyện gì xảy ra đi nữa, bạn cũng sẽ cảm thấy
    hạnh phúc.
  6. Cuộc sống không hề dễ dàng, hãy sống tử tế với chính mình, đừng
    mang theo những gì có thể buông bỏ, đừng nhớ những gì có thể chia xa và
    đừng giữ những gì có thể từ bỏ. Kinh nghiệm của cuộc sống giống như một
    cây bút chì, nó bắt đầu sắc và trở nên mài mòn khi trải qua nhiều hơn. Thời
    gian sẽ chứng minh tất cả, hãy cứ âm thầm làm hết sức mình.
  7. Cuộc sống vốn dĩ là một cốc nước, nghèo khó và giàu có, quyền lực và
    sang hèn,… chỉ là những gia vị mà con người thêm vào cuộc sống theo trí
    lực và khả năng của mình. Có những người thích thú vui với vị đắng và
    khuấy nó vào cà phê. Một số người thích pha sinh mệnh vào trà và thưởng
    thức hương thơm ngọt ngào trong đó. Cuộc sống giống như một ván cờ, có
    tiến và có lui, bạn phải học cách đối xử tốt với bản thân và đừng mang nặng
    trong lòng. Trong tất cả các trải nghiệm, tất cả đúng sai và xáo trộn đều được
    giải thích một cách sống động từ cuộc sống. Để rồi trong tất cả những tình
    huống trớ trêu, chúng ta hãy cùng nhau suy nghĩ về cuộc đời và nhìn thấu
    cuộc đời.
  8. Khi sự nhiệt tình trở thành một thói quen, không có chỗ cho sự sợ hãi
    và lo lắng. Những người thiếu nhiệt huyết cũng không có mục tiêu rõ ràng.
    Một người không có nhiệt huyết giống như một chiếc xe không có xăng.
    Những người giỏi sắp xếp việc nghỉ ngơi và công việc, đồng thời giữ được
    nhiệt huyết cả hai là những người hạnh phúc nhất.
  9. Người ta dành cả đời để theo đuổi và lựa chọn, đến khi phát hiện ra
    mình đã gần đất xa trời thì còn nghĩa lý gì đây. Vì vậy, thực hiện một cách
    thấu đáo chính là chìa khóa thành công trong cuộc sống, đừng nghĩ rằng cơ
    hội có ở khắp mọi nơi, và rất nhiều việc trong đời thực ra chỉ là điềm báo
    trước.
  10. Thực ra hạnh phúc rất đơn giản, đó là học cách bằng lòng, một người
    bằng lòng sẽ không xem trọng mọi thứ, không mưu mô, hài lòng với những
    gì mình đang có và trân trọng hiện tại. Hạnh phúc là việc bạn cảm nhận thế
    nào, chỉ cần bạn cảm thấy hạnh phúc là bạn đã thực sự hạnh phúc rồi, cần
    phải biết bằng lòng với mọi thứ, mọi thứ đều là sự sắp đặt tốt nhất. Biết nâng
    niu thì mới đáng sở hữu, hãy cứ sống bình đạm và có một cuộc sống hạnh
    phúc.
    Thực ra, hạnh phúc rất đơn giản, đó chính là biết bằng lòng với cuộc sống.
    TD dịch
    Bồ Đề Tâm

SỐNG CẦN BIẾT ĐẾN MỌI NGƯỜI

Gia đình nghèo kia có ba người: Bố – Mẹ – và Con trai. Họ sống âm thầm
và bình lặng trong một thôn làng hẻo lánh, người Bố đi làm thuê để kiếm
cơm gạo nuôi gia đình, người mẹ lo việc bếp núc, trồng mấy luống rau, và
chăm sóc con.
Một buổi trưa hè nắng nóng, người mẹ trên đường từ chợ về nhà chợt
nhặt được một trái cam ai đó đánh rơi bên đường, cơn khát và mệt nhọc
dường như tiêu tan khi bà nghĩ đến miếng cam ngọt lịm và mọng nước.
Nhưng nghĩ đến đứa con ngoan ngoãn chẳng mấy khi được ăn hoa trái thơm
ngon, bà liền lau sạch trái cam và cất vào túi.
Bước chân vào nhà, bà gọi:
“Con trai ngoan của mẹ, nhìn xem mẹ cho con gì đây này!”.
Đang học bài, cậu bé ngước đôi mắt trong veo nhìn trái cam như một báu
vật:
“Ôi, mẹ mua cho con ạ ? Trái cam ngon quá, con cám ơn mẹ”.
Người mẹ cảm động:
“Con học bài ngoan, mẹ đi nấu cơm nhé”.
Vừa làm công việc bếp núc, người mẹ vừa thầm cảm ơn ai đó đã vô tình
đánh rớt trái cam để bà được tận hưởng niềm vui sướng hạnh phúc khi đã
biết nhịn cơn khát và dành phần trái cam ngon ngọt cho con mình. Còn cậu
bé, vừa hít hà hương thơm dịu dịu, vừa ngắm nghía màu sắc vàng tươi của
trái cam, cậu nghĩ: Mẹ thương mình biết bao khi mua trái cam ngon ngọt
dường này, mình phải ngoan ngoãn vâng lời mẹ. Chợt nghĩ đến Bố giờ này
đang vất vả làm việc, cậu ngập ngừng đôi chút rồi nhẹ nhàng xé tờ giấy đôi
trắng tinh trong tập vở, cậu vụng về nét bút:
“Bố ơi, con yêu Bố lắm, chắc Bố đang làm việc mệt lắm phải không Bố, Bố
ăn trái cam này cho đỡ mệt Bố nhá.”
Viết xong cậu mở trang giấy, gói trái cam rồi rón rén đặt ở góc tủ, nơi mỗi
khi đi làm về Bố sẽ cởi áo khoác và cất mũ tại đó.
Chiều tối dần, người đàn ông cố dấu sự mệt nhọc khi bước chân vào ngôi
nhà ấm áp của mình, cởi áo khoác ngoài, đặt mũ xuống, bỗng tay anh chạm
phải một vật gì tròn tròn được gói trong tờ giấy vở. Mắt ông nhòa lệ khi đọc
những nét chữ ngây thơ của cậu bé, ông hôn cả mảnh giấy và trái cam xinh
xắn như muốn cảm ơn đứa con yêu quý.
Nhìn xuống bếp, thấy vợ đang lúi húi công việc, ông thấy thương người
phụ nữ nhỏ bé, suốt ngày bận rộn để chăm sóc cho hai bố con mà không bao
giờ phàn nàn kêu ca, ông cảm thấy mình mang ơn vợ biết bao. Nhẹ nhàng
đến bên cạnh và choàng tay ôm vợ, ông ghé tai nói nhỏ: Cám ơn em, cha con
anh cám ơn em, anh cho em này. Và ông đưa trái cam cho vợ.
Người vợ bật khóc khi nhận ra đây chính là trái cam mình đã đưa cho cậu
con trai…
GÓC CUỘC SỐNG

ĐẾN MỘT TUỔI NÀO ĐÓ…


Con người ta hình như đến một tuổi nào đó sẽ ngộ ra rằng cuộc đời thật
ra chẳng có gì quan trọng. Cuối cùng rồi như nhau cả. Bạn có thể có một
cuộc đời sung sướng, hạnh phúc hay bạn đã phải lầm than, nghèo túng, khổ
đau. Cuối con đường có khác gì nhau đâu. Lúc xuôi tay, quân vương hay kẻ
cơ hàn đều là sự giã biệt. Có thể có kẻ sẽ có tiền hô hậu ủng, kèn trống vang
trời. Có người bó trong chiếc chiếu rách đi giữa mưa rơi. Nhưng cả hai đều
chẳng còn biết gì, tất cả đều đang làm cho người sống.
Đến một tuổi nào đó, người ra sẽ nghiệm thấy rằng cuộc đời chỉ là con số
không to tướng. Sinh ra, lớn lên, già đi rồi mất hút. Mọi thứ danh vọng chỉ
là trò hư ảo. Mọi thứ của cải làm ra cũng chỉ là thứ phù phiếm có rồi mất.
Mọi thứ hoan lạc hay khổ ải cũng chỉ là gia vị của cuộc đời. Sinh ra thì phải
sống, phải chiến đấu để tồn tại, phải khát vọng để vươn lên. Thế rồi, khi tuổi
già đã tới, những bi kịch của tàn phai tác động đến mỗi người, sẽ thấy hoá
ra mình đã bỏ cả tuổi thanh xuân để chạy theo toàn những thứ ảo vọng.
Tranh dành nhau cái danh, lấn lướt nhau đoạt lợi. Được danh lợi rồi lại tham
vọng nhiều hơn, lớn hơn. Cuối cùng cũng chỉ là một cuộc chơi, để rồi trắng
tay lúc trở về cát bụi.
Đến một thời điểm nào đó của cuộc sống, nhìn lại đọan đường ta đã đi,
ta phát hiện ta chỉ để lại lắm điều lầm lỗi. Lầm lỗi với cha mẹ, với những
người thân yêu. Lầm lỗi với bạn bè, với xã hội. Lầm lỗi với những người ta
đã gặp, những người đã đi qua đời ta. Tất cả đều do cái tôi quá lớn của mỗi
người. Không biết quên mình mà chỉ sống cho mình. Do vậy, những suy
nghĩ và hành động ích kỷ cứ mãi quẩn quanh để đưa đến lỗi lầm.
Sống đến tuổi nào đó, người ta mới hiểu được rằng tự thắng được mình
mới là điều quan trọng. Tuổi trẻ háo thắng chỉ chăm chăm thắng người, hơn
người. Cảm thấy tự mãn và sung sướng trong thắng lợi. Có biết đâu rằng cái
thắng lợi mình có là cái thất bại và đớn đau cho người khác. Đâu có biết rằng
chính cái thắng lợi ấy là chiếc bẫy tiếp theo của cuộc đời mình. Trong mọi
hoàn cảnh, tự thắng chính mình là điều khó nhất. Làm được điều đó là ta đã
có thể tự hào.
Đến một tuổi nào đó, người ta mới hiểu được rằng lắng nghe mới là điều
cần thiết. Biết lắng nghe là biết thu thập cả thế giới cho riêng mình. Biết lắng
nghe thì mới phân biệt được phải trái phân minh. Biết lắng nghe thì mới có
sẻ chia. Muốn lắng nghe thì phải học im lặng. Con người ta chỉ mất vài năm
để học nói, nhưng mất cả đời để học im lặng. Im lặng để lắng nghe. Không
chỉ lắng nghe ngôn ngữ của con người, ta phải tập lắng nghe tiếng của thiên
nhiên, tiếng của cỏ cây, giun dế, của gió, của nắng, của mưa bão.
Tiếng sóng vỗ, tiếng chim kêu đều mang lại cho ta những cảm xúc của
cuộc đời. Thiếu chúng nó, cuộc đời chỉ là khoảng trống vô vị.
Tới một tuổi nào đó, con người nên đến với thế nhân bằng những nụ cười.
Hãy cười với nhau bằng tâm hồn mở tất cả các cửa, với tấm lòng thân thiện.
Hãy chào nhau dù chỉ gặp một lần vì biết đâu ngày mai không còn cơ hội để
gặp, không còn dịp để gởi nhau nụ cười. Sinh tử là ranh giới mỏng manh.
Đời vốn vô thường. Già sẽ đưa đến tật bệnh, bệnh làm cho người ta héo úa,
đau đớn khó chịu. Nếu lạc quan và trang bị nụ cười với mọi người, nỗi đau
sẽ giảm đi, héo úa sẽ bớt đi, nụ cười chính là son phấn trang điểm cho tuổi
già.
Đến một tuổi nào đó, con người sẽ hiểu được rằng điều cơ bản của con
người là sự cô đơn. Con người sinh ra một mình và mất đi cũng chỉ một
mình. Không ai sống thay ta và cũng chẳng ai chết thay ta. Gia đình, chồng
vợ, con cái, bạn bè đều là người thân đấy, nhưng mỗi người có một cuộc
sống, mỗi người có mỗi số phận và định mệnh riêng. Do vậy, mỗi người phải
tự quyết định đời mình, không chờ đợi một ai có thể thay mình. Trong hành
trình sống, con người là một thực thể cô độc, không ai hoán đổi được. Tới
tuổi già chính là lúc gặm nhấm nỗi cô đơn nhiều nhất.
Đên một lúc nào đó người ta sẽ có những nuối tiếc. Tiếc vì chưa làm được
những điều muốn làm, chưa đến được những nơi muốn đến. Quỹ thời gian
không còn, chuyến tàu sầm sập đến hoàng hôn. Chợt giật mình thời gian
quá ngắn. Bởi thế nên muốn làm gì thì làm ngay, muốn đi đâu thì đừng lần
lửa. Có ước muốn thì hãy thực hiện, kể cả việc trả thù một ai đó. Nhưng mà
nếu tha thứ được thì nên tha thứ, nếu quên được thì nên quên. Sống tập quên
cái cần quên cũng là một thứ thuốc chữa tâm hồn. Nhớ nhiều chỉ vác nặng.
Sống mà mang nặng quá chỉ khổ thân.
Tới một lúc nào đó, người ta hiểu được là sống là để làm cho đủ bốn bổn
phận đối với cuộc đời. Bổn phận với quá khứ là trả hiếu với mẹ cha. Bổn
phận với tương lai là nuôi dạy con cái. Bổn phận với cuộc sống là giúp đỡ
kẻ hoạn nạn, yêu thương mọi người và cuối cùng là bổn phận lấp đầy đời
mình bằng tiêu pha, sinh hoạt hàng ngày. Con người làm ra tiền dù ít hay
nhiều cũng chỉ quẩn quanh từng đó bổn phận. Có kẻ làm không đủ thì là
thiếu trách nhiệm. Thế cho nên làm người là làm tròn bổn phận. Tới tuổi già,
làm xong bổn phận ta có thể ung dung để hưởng những ngày còn lại trong
sự thanh thản.
DUY NGỌC
Namo Buddhaya

NGHE THUYẾT PHÁP và NGHE PHÁP THUYẾT


Tự nhiên tôi nhớ đến câu chuyện tôi đã đọc cách đây hang chục năm.
Chuyện rằng có một nhà sư đi hoằng pháp ở một làng quê. Theo Sư có một
đệ tử. Hai thầy trò đi bộ. Trên đường đi, nhà sư khát nước. Sư và đệ tử
quyết định ngồi nghỉ dưới một gốc cây để tránh nắng. Rồi nhà sư nói với đệ
tử ra suối lấy cho thầy nước để thầy uống.
Đệ tử xách theo chiếc vò đi đến con suối. Đến nơi, người đệ tử phát hiện
ra rằng có một đàn bò vừa lội qua song nên nước sông rất đục, không thể
lấy nước uống được. Đệ tử bạch lại với thầy. Nhà sư rất hoan hỷ và khuyên
chờ đợi một chút. Hai thầy trò cùng ngồi thư giản ngắm cảnh, hòa mình vào
thiên nhiên.
Một lát sau, nhà sư nhắc người đệ tử đi lấy nước. Người đệ tử xách vò trở
lại bờ suối, nhưng anh vẫn thấy nước còn đục chưa thể lấy nước về uống
được. Anh quay lại thưa với thầy. Nhà sư lại khuyên rằng nên bình an ngồi
thư giãn dưới gốc cây chờ thêm chút nữa.
Một thời gian sau đó, người đệ tử trở lại bờ suối. Bây giờ nước đã trong
veo. Thế là anh lựa chỗ trong nhất để múc đầy vò nước mát mang về dâng
thầy.
Người thầy nhận vò nước trong và dạy trò của mình rằng, có những việc
ta không cần làm gì cả, chỉ cần kiên nhẫn đợi để có đủ thời gian, để nó tự
lắng xuống. Tâm ta cũng thế.
Tôi vẫn nhớ như in trong câu chuyện này nhà sư đã dạy học trò của mình
rằng, khi tâm ta nổi sóng, điên đảo, ta không nên tìm cách này hay cách khác
để cố dẹp yên nó. Ta nên ngồi yên trong bình an để nó tự lắng xuống. Rằng
khi con giận ai, ta không nên nghĩ tới họ, đừng tranh cãi hơn thua, mà nên
hướng tư tưởng sang việc khác. Rằng ta nên làm thinh, giả mù, giả điếc, tự
nhiên tâm ta sẽ tĩnh lại được.
Mỗi ngày bao nhiêu tình huống xảy ra. Mỗi tình huống, mỗi câu chuyện
là một bài học. Bài học cho tâm của ta. Vấn đề là ta cần lắng tâm lại để lắng
nghe. Tôi giật mình nghĩ về nghĩa của từ lắng nghe. Đó là, để nghe cho đến
khi tất cả lắng xuống.
Bạn cũng như tôi, bao năm nay thích nghe quý thầy thuyết pháp. Những
bài pháp đó rất hay và vô cùng ý nghĩa. Chúng ta khôn lớn thêm, chúng ta
ngộ ra nhiều nhờ những bài pháp đó. Nghe thuyết pháp thật là tuyệt vời.
Tuy nhiên tôi nghĩ rằng song song với nghe thuyết pháp, chúng ta cũng nên
lắng long để nghe pháp thuyết. Nghe pháp thuyết cũng rất hay. Tôi tin rằng
nhiều quý vị cũng sẽ giật mình nhận ra nhiều điều, học được nhiều bài học
hay nhờ pháp thuyết đấy ạ.
Niềm an vui vốn dĩ
Từ nội tâm yên bình
Khi lòng đầy hoan hỉ
Thế giới này đẹp xinh.
NHƯ NHIÊN