CÓ NHÂN ẮT CÓ QUẢ

Hãy nhớ rằng không có bất cứ điều gì trên đời này là bỗng nhiên cả.
Bạn không thể bỗng nhiên bệnh tật, bạn không thể bỗng nhiên gặp hoạn
nạn, bạn không thể bỗng nhiên bị tai ương ập đến…
Tất cả đều có nguyên do, tất cả đều là sự vận hành của luật nhân quả
nghiệp báo, gây nhân nào sẽ gặt quả đó, không bao giờ sai chạy, bạn có thể
lách được luật đời, luật nhà nước, luật xã hội, nhưng vĩnh viễn không thể
nào lách được luật nhân quả.
Bởi vậy nhà Phật mới có câu:
“Bồ-tát sợ nhân, chúng sanh sợ quả.”
Bồ tát thấy rõ ràng rằng nhân nào sẽ đưa đến quả nấy, nên các Ngài tuyệt
đối không gây tạo nhân xấu ác.
Chúng sanh do không thấy rõ ràng luật nhân quả, nên ác nghiệp vẫn hàng
ngày vô tư thực hiện, khi nào quả báo đến, tai ương đến, hoạn nạn đến mới
biết sợ, còn bình thường thì việc xấu ác vẫn thản nhiên làm.
Đó cũng chính là nguyên do tại sao Bồ-tát luôn an nhiên tự tại, còn chúng
sanh thì luôn ngập chìm trong khổ não sầu bi, tai ương, hoạn nạn, sóng gió
nổi trôi, luân hồi sanh tử.
Và đó cũng chính là lời tâm huyết mà Đức Phật Thích Ca căn dặn chúng
ta để có được một cuộc đời an lành hạnh phúc :

  • Không làm mọi điều ác.
  • Thành tựu các hạnh lành.
  • Tâm ý giữ trong sạch.
  • Chính lời chư Phật dạy.
    Kinh Pháp Cú.
    Giới Định Tuệ

KHI ĐI ĐẾN CÁC GIA ĐÌNH HÃY GIỐNG NHƯ MẶT TRĂNG

Một thời, Thế Tôn trú ở Sàvatthi, dạy các Tỷ-kheo:
Hãy giống như mặt trăng, này các Tỷ-kheo, khi đi đến các gia đình, thân
tâm phải dè dặt, luôn luôn là người mới giữa các gia đình, chớ có đường
đột xông xáo.
Này các Tỷ-kheo, ví như một người nhìn cái giếng cũ, sườn núi dốc hay
thác nước, thân tâm phải dè dặt, không có đường đột xông xáo.
Này các Tỷ-kheo, các ông nghĩ như thế nào một Tỷ-kheo xứng đáng đi
đến các gia đình?
Bạch Thế Tôn, đối với chúng con, các pháp lấy Thế Tôn làm căn bản,
lấy Thế Tôn làm lãnh đạo, lấy Thế Tôn làm sở y.
Này các Tỷ-kheo, ví như bàn tay này giữa hư không, không bị dính vào,
không bị nắm lấy, không bị trói buộc. Cũng vậy, vị Tỷ-kheo đi đến các gia
đình, tâm không bị dính vào, không bị nắm lấy, không bị trói buộc, nghĩ
rằng: “Những ai muốn được lợi, hãy được lợi! Những ai muốn công đức,
hãy làm các công đức!”
(ĐTKVN, Tương Ưng Bộ II, chương 5, phần Ví Dụ Với Trăng)
LỜI BÀN:
Đời sống xuất gia, tuy bản chất là ly tục song thực tế luôn gắn liền với con
người và cuộc đời. Khất thực để nuôi sống thân mạng và tùy duyên thuyết
pháp độ sanh là nhiệm vụ của mỗi Tỷ-kheo. Do đó, đi đến với gia chủ vào
mỗi buổi sáng hàng ngày đối với các Tỷ-kheo là tất yếu.
Tuy nhiên, vấn đề ở chỗ đến với gia chủ với thái độ và cung cách thế nào?
Thật tuyệt vời khi Thế Tôn dùng hình ảnh mặt trăng để biểu thị cho sự quang

lâm của Tỷ-kheo, phải thực sự mang đến ánh sáng, mát mẻ và yên bình cho
mọi nhà.
Trước hết là sự dè dặt, không đường đột xông xáo, luôn chánh niệm tỉnh
giác để mọi biểu hiện luôn tương hợp với oai nghi tế hạnh. Sự thận trọng
trong từng cử chỉ, lời nói là điều tối cần thiết vì ngay nơi cung cách của Tỷ-
kheo đã phản ánh rõ nét sự an tịnh nội tâm, tư cách đạo đức và năng lực
giáo hóa của chính vị ấy.
Tiếp đến, vị Tỷ-kheo khi đến với gia chủ trong tâm thái buông xả, như
bàn tay mở giữa hư không. Đành rằng, khất thực là xin ăn nhưng không đơn
thuần là nhận mà trong đó còn cho, cho rất nhiều bằng cách ban tặng giáo
pháp. Do đó, luôn ý thức để tự làm chủ trong tinh thần muốn ít và biết đủ,
không để cho danh lợi cám dỗ, sanh khởi tham ái. Nhờ đó, vị Tỷ-kheo không
bị vướng mắc, chẳng bị trói buộc.
Vì thế, muốn xứng đáng để đi đến các gia đình, nhằm giáo hóa và làm
mô phạm cho hàng Phật tử, người con Phật xuất gia phải tự rèn luyện mình,
trong sáng như mặt trăng, buông xả như bàn tay mở giữa hư không, tự tại
và giải thoát.
QUẢNG TÁNH

CẢNH TỰ TÂM SINH

Tâm chứa điều gì, cuộc đời sẽ kết Duyên với điều đó, gọi là ‘Cảnh tự Tâm
sinh’.
Trong lòng gieo trồng hạt giống Thù hận, hạt giống này sẽ trong không
gian Sinh mệnh của Bạn mà bén rễ nảy mầm, trưởng thành kết quả, sau đó
nó sẽ vô tình nuốt trọn lòng khoan dung. Ngược lại, nếu sự biết ơn luôn tồn
tại và tỏa sáng trong lòng Bạn, nó sẽ khiến các Sinh mệnh không tốt dần bị
biến mất đi từ lúc nào.
Trong lòng ẩn chứa sự đố kỵ, ẩn chứa sự tính toán, ẩn chứa sự tham lam,
Bạn sẽ không thể thoát khỏi bóng tối của sự hẹp hòi, bủn xỉn, ích kỷ, Bạn sẽ
ở trong cái vòng nhỏ hẹp tự cho là đúng của mình mà oán trời trách đất, mua
dây buộc mình.
Trong lòng ẩn chứa sự so sánh với người khác, Bạn sẽ lấy “sự so sánh với
người khác” mà ngu ngốc tự dày vò bản thân.
Trong lòng ẩn chứa địa vị, nhà cửa, tiền bạc, cuộc sống của bạn sẽ bị cuốn
theo một cách mệt mỏi vào vòng xoáy đan xen của “địa vị, nhà cửa, tiền bạc”.
Khi Bạn dần dần đạt được những thứ này, dục vọng của Bạn sẽ thúc đẩy
Bạn truy cầu nhiều hơn, những thứ tốt hơn, cho tới khi bản thân hoàn toàn
mê mờ mất phương hướng.
Đợi đến khi đại nạn tới gõ cửa, Bạn sẽ nhận ra điều mà sinh mệnh có thể
mang đi chỉ là hai bàn tay trắng.
Ngược lại, nếu trong Tâm Bạn chứa đầy sự Thiện lương, chứa đầy lòng
khoan dung, chứa đầy lòng biết ơn, chứa đầy sự chân thành, Bạn sẽ phát
hiện ra rằng, cuộc sống của Bạn thực sự tràn ngập ánh mặt trời. Bạn sẽ trải
nghiệm được cảnh giới giải thoát thật sự mỹ diệu đẹp đẽ sau khi buông bỏ
các Tâm truy cầu điều này điều khác. Gặp phải bất kể mâu thuẫn gì, trước
tiên Bạn cần tìm nguyên nhân từ chính Bản thân mình để rồi thay đổi suy
nghĩ và hành động. Tất cả những điều không tốt của Người khác đều không
đáng để Tâm tới, đều sẽ bị lòng Bác ái bao la của bạn làm tiêu tan như băng
tuyết.
Trong Tâm có mang cả đất trời, có mang cả Vũ trụ to lớn, Bạn sẽ hòa tan
vào bên trong Trời đất và Vũ trụ. Những thị phi, tranh đấu, tình cảm nam
nữ, công danh lợi lộc, thăng quan tiến chức… Tất cả nơi cõi Nhân gian này
chỉ là một vở kịch lướt qua giây lát trong mắt Bạn và sẽ giúp Bạn cười một
cách thoải mái.

  1. Thà rằng giả vờ Ngu ngốc, chứ đừng bao giờ tự cho rằng mình Thông
    minh
    Nguyên nhân là bởi mọi người thường ghét những người tự cho mình là
    Thông minh. Sự vật khách quan rất phức tạp, hơn nữa cũng thay đổi rất
    nhanh, cho dù chỉ số thông minh của Bạn cao tới đâu, cho dù Bạn có cố gắng
    Thông minh tới đâu, nhận thức bất cứ sự việc gì cũng đều không dễ dàng.
    Cho dù Bạn nắm vững những kiến thức cần có , căn bản không thể hoàn
    toàn đầy đủ, nhưng chỉ trong chốc lát, nó lại có thể phát sinh thay đổi, hơn
    nữa vĩnh viễn sẽ không dừng lại. Vì vậy nên mãi mãi duy trì thái độ Khiêm
    tốn thận trọng, dám thừa nhận đứng trước Tạo Hóa, bản thân vĩnh viễn là
    một kẻ ngốc.
  2. Thà thua một cách quang minh chính đại, chứ đừng chỉ thắng không
    bại
    Đặc biệt, tranh cãi luôn là không cần thiết. Bởi đại đa số mọi người đều
    có Tâm lý hiếu thắng, chứ không muốn thua. Tốt nhất là cả hai cùng hòa.
    Cho dù là đối nội hay đối ngoại, giữa các cá nhân, chủ động chịu thiệt nhiều
    khi là lựa chọn tốt nhất.
  3. Thà rằng chịu thiệt, chứ không nên chiếm giữ những Tiện ích nhỏ
    Bởi đại đa số mọi người đều thích chiếm Tiện ích nhỏ, chứ không muốn
    chịu Thiệt. Bạn cần tin rằng “chịu Thiệt là Phúc”. Đương nhiên nên ngăn
    chặn việc bị mắc lừa. Chẳng may có bị mắc mưu dính lừa, cùng đừng nên
    canh cánh để trong lòng. Tin rằng trời cao đất dày là quy luật tự nhiên và
    quy luật xã hộinhất định sẽ nghiêm trị bọn họ, không cần tới bạn phải trừng
    trị họ.
  4. Thà có thể Cực nhọc, chứ đừng nên Ham muốn Hưởng lạc
    Nguyên nhân là bởi ham muốn hưởng lạc dễ làm hao mòn ý chí, làm Tâm
    hồn dễ sa ngã hư hỏng. Siêng năng vất vả cần cù một cách thích đáng, có thể
    rèn luyện bản thân, rèn luyện ý chí của mình.
  5. Thà là người Bình thường, chứ đừng nên mua Danh buộc Lợi
    Bởi Bình thường chính là Hạnh phúc. Giở trò dối trá, mua danh buộc lợi,
    làm thể xác và tinh thần mệt mỏi, nếu gây chuyện thị phi, gieo gió sẽ gặp
    bão.
  6. Thà tự Tin vô căn cứ, chứ đừng nên Bi quan mù quáng
    Bởi vì tự tin là một loại sức mạnh, cho dù sự tự tin của Bạn có đôi chút vô
    căn cứ, Bạn có thể điều chỉnh Tâm tính của mình trong quá trình thực hiện,
    tìm thấy vị trí thỏa đáng của mình. Nếu bạn tự ti một cách mù quáng, tự
    nhiên Bạn sẽ mất đi tất cả và không tiến bước được gì.
  7. Nên cầu mong Khỏe mạnh, chứ đừng mong muốn Công danh Lợi lộc
    Bởi Sức khỏe là tài sản qúy nhất của Sinh mệnh Con người. Cho dù nguy
    hiểm có bất ngờ ập đến, cũng đừng nên từ bỏ hy vọng và tinh thần can đảm.
  8. Thà rằng phải Cần cù làm việc, cũng đừng nên Không làm việc gì
    Chăm chỉ cần cù là điều kiện cần thiết của mọi thành công, hơn nữa bản
    thân nó cũng là suối nguồn của hạnh phúc; nó có thể làm bạn cảm giác được
    thành công mỗi ngày.
  9. Thà rằng Kiên trì, chứ không thể Vứt bỏ Lý tưởng
    Lý tưởng là ngọn hải đăng, là một loại sức mạnh nhân cách.
    Làm người đừng nên gian trá, không có ai là ngốc cả !
    Cảnh giới của Sinh mệnh, tương lai của Sinh mệnh, nói là đang ở trong
    Mê, nhưng kỳ thực cũng giản đơn. Nó chỉ là nằm trong sự chọn lựa của Bạn,
    chỉ để xem xem Bạn chứa thứ gì trong Tâm mình.
    KIÊN ĐỊNH

NHỚ NGHĨ ĐẾN SỰ CHẾT TIÊU CỰC HAY TÍCH CỰC?

Một thời, Thế Tôn trú ở Nàdika, tại Ginjakàvasatha. Tại đấy, Thế Tôn
dạy các Tỷ kheo:
Niệm chết, này các Tỷ kheo, được tu tập, được làm cho sung mãn thời
có quả lớn, có lợi ích lớn, thể nhập vào bất tử. Tu tập niệm chết như thế
nào để đưa đến quả lớn, lợi ích lớn, thể nhập vào bất tử?
Này các Tỷ kheo, khi ngày vừa tàn, đêm vừa an trú, suy tư như sau: Các
nhân duyên đem đến cái chết cho ta rất nhiều. Con rắn, con bò cạp hay con
rít có thể cắn ta, ta có thể mạng chung. Ta có thể vấp ngã và té xuống. Thức
ăn có thể làm cho ta mắc bệnh, làm ta có thể mạng chung… Như vậy sẽ là
chướng ngại.
Này các Tỷ kheo, khi đêm vừa tàn, ngày vừa an trú, suy tư như sau: Các
nhân duyên đem đến cái chết cho ta rất nhiều. Con rắn, con bò cạp hay con
rít có thể cắn ta, ta có thể mạng chung. Ta có thể vấp ngã và té xuống. Thức
ăn có thể làm cho ta mắc bệnh, làm ta có thể mạng chung… Như vậy sẽ là
chướng ngại.
Này các Tỷ kheo, Tỷ kheo ấy cần suy nghĩ như sau: Ta còn những pháp
ác, bất thiện chưa đoạn tận, nếu lỡ mạng chung đêm hoặc ngày nay, chúng
có thể là những chướng ngại cho ta. Biết được như vậy, Tỷ kheo ấy tinh
cần, nỗ lực, chánh niệm tỉnh giác, ngày đêm cần phải học tập trong các
thiện pháp.
Này các Tỷ kheo, niệm chết, tu tập như vậy, làm cho sung mãn như vậy
thời được quả lớn, được lợi ích lớn, thể nhập vào bất tử.
(Tăng Chi Bộ III, chương 6, phẩm Cần phải nhớ, phần Niệm chết)
LỜI BÀN:
Đời sống của con người thật quý giá nhưng cũng thật quá đỗi mong
manh. Hôm nay còn khỏe mạnh, vui sống nhưng ngày sau sẽ ra sao vẫn là
điệp khúc bí ẩn vấn nạn nhân sinh muôn thuở. Con người chỉ chạnh lòng, tê tái khi chứng kiến cảnh vô thường sống chết xảy ra với mọi người xung quanh mà chẳng mấy ai lưu tâm đến điều ấy có thể xảy ra với mình.
Theo tuệ giác của Thế Tôn thì mạng người chỉ tồn tại trong hơi thở, một
khi thở ra mà không thở vào là kết thúc một đời người. Do vậy, quán niệm
và đối diện với sự thật của chính mình rằng cái chết sẽ đến với mình bất cứ
lúc nào là điều mỗi người phải thực hành. Chính nhận ra sự mong manh,
tạm bợ, nay còn mai mất của kiếp người sẽ giúp con người biết trân quý cuộc
sống hơn. Những thành bại, được mất, hơn thua, tranh đoạt, tham vọng và
thù hận v.v… sẽ chẳng có giá trị gì nếu như gần kề với cái chết. Mặt khác,
nhận thức được án tử đang lững lơ quanh mình nên con người nỗ lực làm
ngay những việc cần làm, sống sao cho đáng sống.
Cuộc sống xung quanh ta luôn biến động, đầy dẫy những tai nạn, rủi ro
và bất trắc. Ý thức rõ ràng về sự chết có thể đến với con người bất kỳ lúc nào,
người con Phật không hẹn ngày mai. Sống trọn vẹn với giờ phút hiện tại, bớt
tham ái, hỷ xả, tha thứ và luôn nghĩ đến mọi người đồng thời tinh cần thực
hành các thiện pháp. Nghĩ đến vô thường, thần chết đang rình rập là một
cách thể nghiệm sự thật của đời sống. Cuộc sống sẽ bớt khổ đau và con người
sẽ thương nhau hơn nếu như mọi người biết suy niệm về cái chết.
QUẢNG TÁNH