CẨN THẬN

  1. Cẩn thận lời ăn tiếng nói, sai một li đi một dặm. Đừng để cái miệng làm
    khổ cái thân, vướng vào đàm tiếu thị phi, gây tổn thương người khác.
  2. Cẩn thận hành động bản thân. Suy nghĩ kỹ trước khi làm, mà làm rồi
    thì phải biết chịu trách nhiệm. Lớn rồi, đừng có làm gì cũng “Em tưởng… em
    tưởng” mãi.
  3. Cẩn thận trong chuyện tình cảm. Yêu thì nói yêu, không yêu nói là
    không yêu. Đừng vin vào cái cớ, đó là người thân thương mà nghĩ mình có
    thể thoải mái bày tỏ rồi cũng thoải mái làm tổn thương họ. Nên nhớ tương
    kính như tân!
  4. Cẩn thận khi bước ra ngoài xã hội. Con người đúng thật là nên liều lĩnh,
    đúng thật là cần dứt khoát. Nhưng đôi khi vạch ra kế hoạch đường đi nước
    bước cũng có cái lợi của nó.
  5. Cẩn thận khi đánh giá người khác. Bạn gặp một người được mấy lần?
    Bạn cảm giác về họ chỉ trong lần gặp gỡ đầu tiên? Bạn biết sâu trong nội tâm
    một người có bao nhiêu đau khổ, bao nhiêu buồn bã, bao nhiêu vấp ngã?
    Đừng vội phủ cho người khác một tấm áo khoác rồi cố định họ trong hình
    hài đó. Sai đấy!
  6. Cẩn thận với chính bản thân mình. Trước khi muốn trở thành một
    người thành công, cao siêu nơi xã hội, hãy làm cho tốt những điều nhỏ nhặt
    đi đã.
  7. Cẩn thận, có trách nhiệm với chính mình và với những người khác!

LỜI KINH TRONG LÒNG BÀN TAY

“Con người thường sợ khổ, luôn tìm hạnh phúc, nhưng lại thích làm
những việc để ngày mai của mình phải khổ đau; họ giống một người mù,
luôn sợ sẩy chân rơi vào vực sâu, muốn tìm con đường tốt, nhưng cuối
cùng vẫn bị rơi vào vực sâu”.(1)
Đôi khi, điều làm con người đau khổ nhất không phải là lúc mất đi thứ
họ yêu thích mà chính là lúc họ có được thứ mình yêu thích nhưng nó lại
không hạnh phúc như đã mong chờ.
Một người không biết bơi, khi rơi vào nước, mặc dù quẫy đạp hết sức,
nhưng cuối cùng vẫn bị chìm.
Một người không hiểu biết, dù rất muốn được hạnh phúc, dù luôn nỗ lực
để có được bình yên, nhưng cuối cùng vẫn phải chết chìm trong khổ đau.
Nước không cố ý nhấn chìm người, cuộc đời không cố tình đẩy ai ngã vào
khổ đau, chỉ do con người không hiểu biết nên tự làm khổ mình.
Con người thường như vậy, luôn nghĩ về hạnh phúc, luôn nói về bình
yên, luôn muốn có nhiều niềm vui nhưng lại hành động theo một hướng
khác, trái ngược hoàn toàn, chẳng mấy ai có được hành động phù hợp với
ước mơ bình yên của mình.
Thời gian luôn im lặng, chưa từng cất tiếng hỏi một câu nào, nhưng thời
gian lại có thể trả lời được tất cả những câu hỏi. Còn con người, luôn lên
tiếng hỏi rất nhiều thứ: “phải làm thế nào để có được hạnh phúc?”, “phải làm
sao để tránh khỏi khổ đau?”… nhưng cuối cùng, chẳng mấy ai thực sự trả lời
được câu hỏi của mình.
Từ ngày mai, mong người sẽ là một người thực sự bình yên. Đừng để bản
thân trở thành một kẻ nghĩ rất nhiều về bình yên, nói rất nhiều về hạnh phúc,
làm rất nhiều điều để có được niềm vui, nhưng cuối cùng, vẫn chưa thể có
được cho mình một buổi sớm mai bình yên.

Mong người luôn an
Vô Thường
Núi.1.11.2022
Om Mani Padme Hum


[1] Nguyên Hán văn: 眾生常畏苦而常行苦,如盲人求好道,反墮深坑。
Dòng 4-6, khung thứ ba, trang 112, bộ sách mang mã số 1509, (Đại Trí Độ Luận)

TU HÀNH TIẾN BỘ NHỜ KIÊN TRÌ, BỀN BỈ, TINH TẤN

Một thời Thế Tôn ở tại Vesali, rừng Đại lâm, tại Trùng Các giảng
đường. Rồi Aggivessana đi đến chỗ Thế Tôn, sau khi chào hỏi, chúc tụng
và ngồi xuống một bên. Thế Tôn giảng cho ông về cách cọ cây lấy lửa.

Này Aggivessana, ví như có một khúc cây ướt đẫm, đầy nhựa sống và
đặt trong nước. Có một người đến, cầm dụng cụ làm lửa với ý nghĩ: Ta sẽ
nhen lửa, hơi nóng sẽ hiện ra. Này Aggivessana, ông nghĩ thế nào? Người
ấy lấy khúc cây ướt đẫm, đầy nhựa sống và đặt trong nước ấy, rồi cọ xát
với dụng cụ làm lửa thì có thể nhen lửa, khiến hơi nóng hiện ra được
không?

Thưa không, Tôn giả Gotama.

Cũng vậy này Aggivessana, những Sa-môn hay Bà-la-môn sống không
xả ly các dục về thân như dục tham, dục ái, dục hôn ám, dục nhiệt não và
nội tâm chưa được khéo đoạn trừ thì các vị ấy không thể chứng được Vô
thượng Chánh giác.

Này Aggivessana, ví như có một khúc cây khô, không nhựa, được vớt
khỏi nước, được đặt trên đất khô. Có một người đến, cầm dụng cụ làm lửa
với ý nghĩ: Ta sẽ nhen lửa, hơi nóng sẽ hiện ra. Này Aggivessana, ông nghĩ
thế nào? Người ấy lấy khúc cây khô, không nhựa, được vớt khỏi nước,
được đặt trên đất khô ấy, rồi cọ xát với dụng cụ làm lửa thì có thể nhen lửa,
khiến hơi nóng hiện ra được không?

Thưa được, Tôn giả Gotama.

Cũng vậy này Aggivessana, những Sa-môn hay Bà-la-môn sống xả ly
các dục về thân như dục tham, dục ái, dục hôn ám, dục nhiệt não và nội
tâm được khéo đoạn trừ thì các vị ấy có thể chứng được Vô thượng Chánh
giác.
(Trung Bộ I, Đại kinh Saccaka [trích])

LỜI BÀN:
Tu tập là một lộ trình dài, muốn thành tựu giác ngộ phải từng bước dọn
dẹp thân tâm, đoạn trừ phiền não. Nếu không nỗ lực làm đoạn giảm tham
ái thì quả vị giải thoát vẫn còn xa vời như sự vô vọng của người cọ cây lấy
lửa với một khúc cây ướt đẫm, tràn đầy nhựa sống.
Một trong những nguyên lý cơ bản của Niết-bàn là xa lìa và đoạn tận
tham dục, luyến ái. Như nước với lửa không thể cùng song song tồn tại, cũng
vậy Niết bàn và ái dục không thể dung hợp lẫn nhau. Vì thế mà Niết-bàn có
một nghĩa là ái diệt.
Chuẩn bị cho quả vị Vô thượng Chánh giác, làm bừng sáng trí tuệ Bátnhã
thì tự thân tâm của mỗi hành giả phải xả ly tham ái. Ngọn lửa trí tuệ sẽ
bùng cháy khi thân tâm thực sự khô kiệt phiền não. Như cọ xát cành cây khô
với dụng cụ làm lửa mới hy vọng có hơi nóng bốc lên và phát hỏa.
Để tạo ra lửa không những cần phải có cành cây khô và dụng cụ làm lửa
mà đòi hỏi phải có một sự kiên trì, bền bỉ và liên tục. Lửa không thể phát
sinh nếu quá trình cọ cây bị gián đoạn, nếu dừng lại thì cành cây sẽ nguội đi
và để có lửa ắt phải cọ xát lại từ đầu. Cũng vậy, trong quá trình đoạn tận
tham ái, tinh tấn là yếu tố cực kỳ quan trọng.
Lửa vốn sẵn trong cây, chỉ cần làm cho cây khô và kiên trì cọ xát với dụng
cụ làm lửa, chắc chắn sẽ có lửa. Giác ngộ vốn ẩn tàng trong chúng sinh dẫu
đầy dẫy tham dục. Vì thế tinh tấn và ly tham là điều tối cần cho những người
con Phật hướng đến Vô thượng Chánh giác.
QUẢNG TÁNH

LỜI KINH TRONG LÒNG BÀN TAY

“Đức Phật nói: trong cuộc sống, có hai hạng người mạnh nhất: một là
người đủ năng lực giữ mình không phạm sai lầm mới, hai là người đã từng
phạm sai lầm nhưng biết hối hận và dừng lại”.
Nguyên văn chữ Hán:
經中佛說有二種健兒。一者自不作罪。二者作已能悔。
(Kinh trung Phật thuyết hữu nhị chủng kiện nhi: nhất giả Tự bất tác tội; nhị giả
Tát dĩ năng hối).
Khi hạt cỏ dại không còn muốn nằm mãi trong bóng tối nữa, nó sẽ gom
hết can đảm, tự xé thân ra, nảy mầm, trở thành một chồi non; và khi ngọn cỏ
dại không muốn chỉ sống cho riêng mình nữa, nó sẽ thu người lại, ra hoa.
Khi một kẻ không muốn sống trong những ngày buồn tủi nữa, họ sẽ gom
hết dũng khí để từ bỏ những lầm lỗi ngày xưa, đứng lên làm một con người;
và khi không muốn chỉ sống cho riêng mình nữa, kẻ đó sẽ cúi xuống, đỡ một
ai đó đứng lên.
Bình minh và hoàng hôn là hai thời điểm đẹp nhất của một ngày. Khoảnh
khắc bắt đầu và kết thúc một ngày, hai thời điểm khác nhau, nhưng cả hai
đều đẹp như nhau.
Khi gom đủ can đảm để có thể làm được một việc thiện mà bản thân chưa
từng làm, và khi gom đủ dũng khí để có thể từ bỏ được những việc xấu ác
đã trở thành thói quen, đó là hai thời điểm đẹp nhất của đời người, cả hai
đều đẹp như nhau.
Tất cả chúng ta, ai cũng đang nỗ lực cho một điều gì đó, có kẻ nỗ lực đuổi
theo những điều hư ảo gió giông, có kẻ nỗ lực để dừng lại, có kẻ nỗ lực ngược
giông gió để trở về, có kẻ hòa mình vào gió giông để giữ một người đang
quay cuồng trong đó dừng lại. Ai cũng đang nỗ lực, nhưng không phải ai
cũng được xem là người mạnh mẽ.

Có lẽ ai trong chúng ta cũng từng mất rất nhiều công sức cho những điều
không đáng; ai cũng từng đôi lần nỗ lực rất nhiều để biến mình thành một
kẻ tầm thường, nhưng không biết.
Người ngủ an.
Vô Thường.
Núi. 3.10.2022
Om Mani Padme Hum.