GIÚP BÊN TRONG HAY GIÚP BÊN NGOÀI?

Có một số người khi họ thấy người khác làm từ thiện, ví dụ như phát gạo,
phát quà…cho người nghèo.
Thì họ nói rằng :
Anh, em, cha, mẹ… trong nhà chưa giúp xong mà bày đặt đi làm từ thiện,
đi giúp người bên ngoài…
Vậy vấn đề này ta nên nhìn nhận như thế nào cho đúng đạo lý ?
Chúng ta có chờ giúp xong hết người thân họ hàng trong nhà của mình
rồi mới đi giúp người bên ngoài hay không ? Theo tôi, quý vị đừng nên mắc
kẹt vào vấn đề đó, nghĩa là ai chúng ta cũng giúp, người bên ngoài hay bên
trong gì cũng giúp hết. (tức là Bình đẳng Thí- bố thí bình đẳng). Quan trọng
là khả năng giúp của chúng ta đến đâu mà thôi.
Về bản chất của sự giúp đỡ, đó là chúng ta chỉ hỗ trợ những người đó một
phần nào đấy, còn lại họ phải tự lực cánh sinh là chính, chứ không nên ngồi
đó, ăn ở không…rồi chỉ chờ nhận lấy sự giúp đỡ (dù là người trong nhà hay
người ở ngoài đường, người xa lạ…).
Trước đây tôi cũng có biết trường hợp của một cô Phật tử nọ. Cô này rất
thương yêu anh chị em và gia đình của mình, chính vì thế, làm có bao nhiêu
tiền, cô đều cho hết anh em, cha mẹ, họ hàng…của mình, mà không tính phải
giữ lại cho bản thân.
Thế rồi một ngày kia, cô bị người khác ếm bùa, mất ăn mất ngủ, gần như
muốn điên loạn, và không đi làm kiếm tiền được nữa.
Lúc này họ hàng và những người thân trở mặt, xem thường cô, coi cô như
gánh nặng của gia đình… Vì thế, cô đã rất buồn, thất vọng về gia đình của
mình.
Do đó, quý vị đừng bao giờ có cái tâm (hay có cái suy nghĩ) chỉ giúp đỡ
những người trong gia đình mình, còn người bên ngoài thì ngó lơ, mặc kệ,
không quan tâm…
Người nào có cái tâm như thế là đang kẹt tâm ích kỷ (sống vị kỷ, tức chỉ
vì mình và gia đình mình), và sẽ bị quả báo của sự cô đơn, rất ít được người
trong thiên hạ yêu thương, giúp đỡ ( nếu có khó khăn).
Vì thế, quý vị hãy tập mở cái tâm rộng lượng ra một tí, nghĩa là thấy việc
gì cần làm cần giúp là chúng ta làm, chứ không nên tính toán chỉ cho gia
đình của mình.
Ví dụ :
Hôm nay đi chùa, đến chùa, ta bỏ thùng cúng dường vài chục …
(Thì không nên nghĩ sẽ dành vài chục về cho con uống trà sữa…).
Hoặc tuần này nhóm Đạo Tràng có phóng sinh, ta cũng góp vài chục (thì
đừng tính toán, sẽ dành tiền ấy về cho cháu ở nhà ăn bánh…).
Hay sáng nay thấy có người ăn xin khổ đi ngang qua nhà, họ xin một lon
gạo, ta tiếc không dám cho, nghĩ bụng để dành lon gạo nấu cơm cho gà nhà
mình ăn….
Khi để tâm tính toán quá như thế, quý vị sẽ dễ dần biến mình thành một
con người ích kỷ, thậm chí là keo kiệt, rít ….sau khi chết rất dễ đoạ vào khổ
cảnh đói khát . Nên quý vị hãy hết sức chú ý nhé!!
Nam Mô Đại Từ Đại Bi Quán Thế Âm Bồ Tát
Thiện Tri Thức

BIẾT TRÂN TRỌNG Ý NGHIỆP

Cuộc sống không bao giờ gói gém những ngày vui mang đến đặt vào tay
người này, rồi lại gói gém thật nhiều những ngày buồn mang đến đặt vào
tay người khác. Cuộc sống không biết chúng ta là ai, và cuộc sống cũng
chẳng cần biết chúng ta là ai.
Nên những ngày vui hay những ngày buồn, chưa bao giờ là vấn đề của
con người với cuộc sống, mà là vấn đề của con người với thái độ sống của
chính họ. Mọi chuyện bắt đầu từ thái độ sống, thái độ sống còn gọi là ý
nghiệp (Pali: Manas-karman).
Nếu không biết trân trọng ý nghiệp, ý nghiệp sẽ trở thành kẻ phụ bạc lớn
nhất cuộc đời của mỗi người. Không phải ai đó hay cuộc sống ngoài kia.
Nếu không biết trân trọng từng suy nghĩ nhỏ, những suy nghĩ nhỏ sẽ trở
thành vấn đề rất lớn. Những suy nghĩ vụn vặt, biến chúng ta trở thành một
người bé nhỏ, làm chúng ta trở thành một kẻ yếu mềm, rồi nỗi buồn nào
cũng có thể tràn qua, nỗi đau nào cũng có thể tàn phá.
Con người sở dĩ không có được những ngày vui là do còn đang bận rộn
với quá nhiều nỗi buồn nhỏ nhặt của mình.
Chúng ta không thể bắt cuộc sống chỉ mang đến cho mình những ngày
vui, chúng ta chỉ có thể cố gắng biến mình thành một người xứng đáng để
có được những ngày vui đó.
Với từ bi và sự hiểu biết, những tổn thương dù to lớn đến đâu cũng sẽ trở
thành một câu chuyện cũ.
Người ngày mới an.
Vô Thường.
Núi ngày cũ
Om Mani Padme Hum

CÁI TÌNH CỦA CHA MẸ


Tôi lên giường ngủ lúc 11 giờ khuya, cầm chiếc đồng hồ báo thức lên xem
thì phát hiện nó đã ngừng hoạt động từ lúc nào, tôi đã quên không mua pin
cho nó. Tôi quả thực không muốn phải ngồi dậy, liền gọi điện thoại cho mẹ:
“Mẹ ơi, đồng hồ báo thức của con hết pin rồi, ngày mai con có cuộc họp công
ty, khoảng 6 giờ mẹ gọi điện đánh thức con dậy nhé!”.
Mẹ ở đầu dây bên kia giọng như đang ngái ngủ, nói: “Được rồi, mẹ biết
rồi!”.
Sáng hôm sau, điện thoại báo thức vang lên trong lúc tôi còn đang mộng
đẹp. Ở đầu dây bên kia, mẹ nói: “Con gái mau dậy đi, hôm nay con còn có
cuộc họp đấy”.
Tôi mở mắt nhìn đồng hồ, mới có 5h40, liền cảm thấy khó chịu mà cằn
nhằn mẹ: “Chẳng phải con nói 6 giờ mới gọi con dậy sao? Con còn muốn
ngủ thêm một lát nữa, lại bị mẹ làm phiền rồi”.
Mẹ ở đầu dây bên kia lặng im không nói gì, tôi cũng cúp điện thoại. Tôi
ngồi dậy rửa mặt, chải đầu rồi ra khỏi nhà. Tại trạm xe bus, tôi đứng bên
cạnh hai ông bà lão tóc bạc trắng. Tôi nghe ông lão nói với bà: “Bà xem xem,
cả đêm ngủ không yên giấc, mới sáng sớm đã thúc tôi dậy rồi, nên giờ mới
phải chờ lâu như thế”.
Năm phút sau, cuối cùng xe bus cũng đã tới. Tôi vội bước lên xe, tài xế là
một người thanh niên còn rất trẻ, anh ta chờ tôi lên xe rồi vội vã lái xe đi. Tôi
nói: “Khoan đã! Anh tài xế, phía dưới còn có hai ông bà lão nữa, họ đã đợi
từ rất lâu rồi, sao anh không chờ họ lên xe mà đã đi rồi?”.
Anh ta ngoảnh đầu lại, cười nói: “Không sao đâu, đó là cha mẹ của tôi đó.
Hôm nay là ngày đầu tiên tôi lái xe bus, nên họ đến xem tôi đấy”.
Tôi đột nhiên rơi lệ, nhìn lại dòng tin nhắn của cha tôi: “Con gái, mẹ của
con cả đêm ngủ không được, mới sáng sớm đã tỉnh dậy, bà ấy lo con sẽ muộn
giờ”…
Người Do Thái có một câu ngạn ngữ: “Lúc cha mẹ cho con thứ gì, con
đều nở nụ cười; lúc con cái cho cha mẹ thứ gì, cha mẹ khóc”. Cả đời này,
người có thể làm cho chúng ta mọi thứ mà không cầu báo đáp chỉ có cha mẹ,
vậy nên, dù thế nào cũng đừng phàn nàn họ, hãy thông cảm cho họ, quan
tâm tới họ.
Hãy trân trọng từng phút giây bên cha mẹ, bởi không ai biết được khi nào
họ sẽ rời xa ta mãi mãi. Khi cha mẹ còn hãy luôn nở nụ cười, hãy luôn quan
tâm chăm sóc tới họ, đừng để cha mẹ mỏi mắt ngóng trông mà không nhìn
thấy hình bóng của bạn.
Khi bạn chập chững bước đi, chỉ có cha mẹ là người nắm lấy đôi bàn tay
nhỏ bé, dìu dắt bạn đi những bước đầu đời. Khi bạn cất tiếng khóc chào đời,
chỉ có cha mẹ là người hạnh phúc nâng niu bạn trong vòng tay, cũng chỉ có
cha mẹ là người ngày đêm bỉm sữa, chăm sóc bạn từng miếng ăn giấc ngủ.
Khi bạn đau ốm, chỉ có cha mẹ là người mất ăn mất ngủ, ngày đêm túc
trực bên giường bệnh. Vì bạn, dẫu phải bán đi khối tài sản cuối cùng trong
tay, họ vẫn sẵn sàng.
Khi bạn gặp khó khăn trắc trở, hay khi cả thế giới đều quay lưng với bạn,
thì cha mẹ vẫn luôn ở bên che chở bạn, vỗ về bạn. Thời gian có thể làm lòng
người thay đổi, nhưng vĩnh viễn không thể thay đổi tình yêu cha mẹ dành
cho bạn.

SỐNG VỚI TRÍ TUỆ LÀ TỐI THƯỢNG

Một thời Thế Tôn trú ở Àlavi, tại trú xứ của Dạ xoa Alavakka. Rồi Dạ
xoa đi đến và nói với Thế Tôn:

Này Sa môn, ta sẽ hỏi ông một câu. Nếu ông không trả lời ta được, ta
sẽ làm tâm ông điên loạn, hay ta sẽ làm ông bể tim, hay nắm lấy chân, ta
sẽ quăng ông qua bờ bên kia sông Hằng.

Này Hiền giả, Ta không thấy một ai ở chư Thiên, Ma giới, Phạm thiên
hay với chúng Sa môn, Bà la môn và loài người có thể làm tâm Ta điên
loạn hay làm bể tim Ta, hay nắm lấy chân quăng Ta qua bờ bên kia sông
Hằng. Tuy vậy, này Hiền giả, hãy hỏi đi, nếu ông muốn.

Này Sa môn:
Cái gì đối với người,
Là tài sản tối thượng?
Cái gì khéo hành trì,
Đem lại chơn an lạc?
Cái gì giữa các vị,
Là vị ngọt tối thượng?
Phải sống như thế nào,
Được gọi sống tối thượng?”

Này Hiền giả:
Lòng tin đối với người,
Là tài sản tối thượng.
Chánh pháp khéo hành trì,
Đem lại chơn an lạc.
Chân lý giữa các vị,
Là vị ngọt tối thượng.
Phải sống với trí tuệ,
Được gọi là sống tối thượng”.
(Tương Ưng I, chương 10, phần Àlavi)
LỜI BÀN:
Con người sống trên đời thường mong ước có được nhiều thứ như tài
sản, danh vọng, hạnh phúc v.v… Thế nhưng, khi được hỏi trong những thứ
ấy cái nào là tối thượng thì đa phần đều lúng túng vì mong ước của con
người vốn vô hạn, không có điểm dừng. Đa phần, với những ai chính chắn
và bình tâm thì trả lời một cách nôm na rằng: Những gì đáp ứng được nhu
cầu cần thiết nhất trong hiện tại là tối thượng.
Dạ xoa Alavakka cũng sở hữu được nhiều thứ nhưng vẫn chưa thỏa mãn
tham vọng và kiêu căng vốn dĩ của mình, giận dữ vì không biết cái gì là tối
thượng để sở hữu, manh tâm chiếm đoạt.
Trong các thứ tài sản, theo tuệ giác Thế Tôn, thì lòng tin là tối thượng.
Quan niệm này kể ra cũng lạ nhưng nếu lắng lòng chiêm nghiệm lời Phật thì
trực nhận rằng tài sản chỉ là cái đến sau, là kết quả của lòng tin. Bởi “đức tin
là mẹ của các công đức”, có lòng tin thì có được tất cả.
Làm gì để được an vui lâu dài cũng là một vấn nạn lớn? Vì niềm vui mà
con người có được thì khá nhiều nhưng tất cả đều tạm bợ, qua nhanh đồng
thời niềm vui ấy rất khó tìm nhưng dễ mất. Với Thế Tôn, chỉ có thực hành
Chánh pháp mới có được hạnh phúc lâu dài.
Vị ngọt của cuộc đời cũng rất nhiều nhưng đa phần đều tựa như chút mật
dính trên lưỡi dao, người tham chút mật ngọt ấy sẽ khó tránh được tai họa
đứt lưỡi. Đằng sau cái hương vị ngọt ngào ấy luôn là cạm bẫy và hiểm nguy
rình rập. Cũng vì chạy theo vị ngọt của cuộc đời mà không ít người thân bại,
danh liệt thậm chí tán thân, thất mạng. Ngược lại, hạnh phúc của chứng
nghiệm chân lý tức giải thoát và giác ngộ thì vĩnh cữu, an lành nên được gọi
là vị ngọt tối thượng.
Để có được một đời sống đúng nghĩa thì chỉ có sống với trí tuệ và minh
triết. Vì lẽ, nếu thiếu vắng trí tuệ thì không thể gọi là đời sống cao, văn minh
dù vật chất đầy đủ. Mặt khác, chỉ có trí tuệ mới đủ năng lực chế ngự khổ
đau, phá tan tà kiến, đạt được tự chủ và tự tại.
Vì vậy, mỗi người con Phật phải nhận ra chân giá trị của cuộc sống để có
lòng tin, thực hành Chánh pháp, phát huy trí tuệ và chứng nghiệm giải thoát.
QUẢNG TÁNH