“Đức Phật nói: tâm từ bi là nguồn tình thương vô tận, dù mang ra để
thương bao nhiêu người cũng không hết; tâm từ bi như ao nước trong
xanh, rửa sạch hết những lầm lỗi của ta và người”.
Tâm từ bi là một nguồn năng lượng có thể tái tạo được, cho dù hôm nay
đã dốc hết lòng để thương người này, nhưng ngày mai sẽ lại có đủ tình
thương để thương được người khác.
Nếu chỉ thương được người này nhưng lại ghét bỏ người kia; nếu chỉ
thương được người trong hiện tại, nhưng ngày mai, khi người đã đổi thay,
lại sinh tâm hận thù, tình thương đó, nhất định không phải là từ bi.
Vì Từ bi không chỉ được thể hiện ở khả năng kiên trì trong việc thương
người mà còn được thể hiện ở khả năng thích ứng để bắt đầu lại khi người
đã đổi thay khác ngày xưa.
Đỉnh cao nhất của trí tuệ là khi đứng trước bất kì một người nào cũng
luôn nhìn thấy được những điều gì đó để thương. Nên hình thức cao nhất
của trí tuệ chính là từ bi.
Khi thương được một người, những lầm lỗi của họ không còn đáng kể
nữa; khi thương được bản thân, chúng ta sẽ tự biết phải nói như thế nào,
phải làm những việc gì, phải đi về hướng nào, phải buông bỏ điều gì và giữ
lại điều gì để ngày mai của mình không phải khổ; và khi thương được cuộc
sống, tất cả những vết thương mà cuộc sống gây ra trước đó ngay lập tức
lành lại.
Trái tim từ bi thực sự là một kho báu rất lớn, lớn đến vô tận, nhưng chúng
ta có thể mang theo nó đi khắp mọi nơi một cách rất nhẹ nhàng.
Từ bi không phải chỉ yêu thương một vài người mà là yêu thương tất cả
mọi người; không phải chỉ thương một chốc một lát mà là thương mọi lúc;
nên từ bi không phải chỉ giúp chúng ta bình yên trong một vài hôm, mà sẽ
giúp chúng ta bình yên được cả đời trong mọi hoàn cảnh.
Một ngày nào đó, khi đủ trưởng thành, chúng ta sẽ lại tin vào những điều
kì diệu của cuộc sống, như trẻ con ngày xửa ngày xưa đã từng tin, chỉ là khác
hơn một chút; trẻ con ngây ngô tin những điều kì diệu của cuộc sống đến từ
những thứ bên ngoài, từ đôi tay chứa đầy phép thuật của ông Bụt cô Tiên;
còn một người trưởng thành sẽ tin điều kì diệu của cuộc sống đến từ chính
bản thân mình, từ đôi chân không ngại khó, từ đôi tay không sợ gian nan,
và từ một trái tim chứa đầy từ bi dù đối diện với bao nhiêu đắng cay vẫn
gom đủ tình thương để nói được hai tiếng “thương người”.
Để được bình yên, chỉ cần một trái tim đầy tình thương, mọi chuyện chỉ
đơn giản như vậy, nhưng để có được điều đơn giản ấy lại là điều rất khó.
Người ngủ an.
Vô Thường
Núi.26.1.2023
Om Mani Padme Hum
Month: January 2023
HÃY ĐỌC NHỮNG DÒNG NÀY NẾU CẢM THẤY MÒN MỎI CHÁN CHƯỜNG
- Thành công chưa bao giờ là điều dễ dàng, đặc biệt là những hoài bão lớn.
Vấp ngã, sai lầm và thất bại là những điều không ai tránh khỏi. Đừng vì
chút trắc trở mà nản lòng. - Sứ mệnh càng cao, chông gai càng nhiều. Nhưng thà đương đầu với
chông gai thử thách, để được thể nghiệm một kiếp sống nồng nhiệt, con
hơn đắm mình trong những ngày nhàn nhạt vô nghĩa. - Bạn làm việc và nỗ lực, là vì chính bản thân bạn. Có rất nhiều việc, ta làm
không phải để được “trả công”. Ta làm vì thấy nó xứng đáng. Đừng hờn
dỗi với cuộc đời khi cuộc đời không ban cho ta công cán. - Miếng phomai miễn phí chỉ có trong chiếc bẫy chuột. Đời không chỉ có
màu hồng, phải biết chấp nhận hai mặt trái phải của cuộc sống mà dấn
thân, chinh phục. - Người ta thường đo ngựa hay trên đường trường. Đời dài lắm, không có
gì mà vội. Giữ ý chí kiên định, vấp ngã nhanh chóng đứng lên. Sai lầm
nhanh chóng điều chỉnh. Giữ cho mình cái đầu lạnh và đôi chân không
mệt mỏi. Phải vững bước thì mới mong có con đường. - Mệt rồi thì cứ nghỉ. Không ai như sắt đá mãi được. Nghỉ xong rồi thì đứng
dậy: sau những lần đứng dậy đó, sự kiên cường sẽ tăng lên từng ngày.
Hãy kiên cường, lì lợm và đừng đánh mất trí tuệ của mình.
(Chill Radio chiêm nghiệm)
NHÀ SƯ và CHIẾC CỐC
Có một vị Tăng tên là Sangharaja. Một lần đến Trung Quốc, ở đó, người
ta đã tặng cho ông một chiếc cốc uống trà rất đẹp. Nó không giống như bất
cứ thứ gì ông nhìn thấy trước đây. Và ngay khi ông cầm nó trên tay, ông lập
tức đau khổ. Mình nên để nó ở đâu đây? Chỗ nào an toàn để cất nó?
Ông không ngừng lo sợ nó sẽ bị vỡ. Trước khi có chiếc cốc đó, ông rất ổn.
Một khi có nó, ông muốn đem khoe với mọi người ở quê nhà Thái Lan. Ông
bỏ chiếc cốc vào trong giỏ và luôn miệng nhắc nhở mọi người “hãy cẩn thận
để chiếc cốc không bị vỡ !” Đi đâu ông cũng phải trông chừng nó. Ông
không có gì ngoài khổ đau. Trước đó, nỗi khổ của ông không tồn tại, nhưng
bây giờ, ông mang gánh nặng khi giữ chiếc cốc này.
Ông lên máy bay về Thái Lan. Khi ông về đến, ông luôn cảnh báo mọi
người: “Hãy cẩn thận! Ở đây có đồ dễ vỡ”. Cứ như vậy, ông đau khổ vì dính
mắc với chiếc cốc. Cuối cùng, một ngày kia, một nhà sư cầm chiếc cốc lên
và nó trượt khỏi tay anh, vỡ tan.
Sangharaja cảm thấy thật nhẹ nhõm. “Ôi, mình được tự do rồi sau những
năm dài đau khổ.”…
- Thầy Ajahn Chah –
NẾU BIẾT CUỘC ĐỜI NẦY LÀ CƠ HỘI DUY NHẤT
Cuộc đời này là cơ hội duy nhất. Một người có thể sử dụng nó theo cách
này hay cách khác. Anh ta có thể sử dụng nó để kiếm tiền, để xây dựng danh
tiếng, hay để xây dựng gia đình, sống yên ổn, bình dị.
Nhưng anh ta cũng có thể sử dụng nó để khám phá chính nó, khám phá
bản chất của cuộc đời, khám phá chính anh ta, xem anh ta đích thực là cái gì.
Anh ta có thể chọn sống như một nhà khoa học khám phá. Nhưng trong
trường hợp này, đối tượng khám phá không phải là một vật, mà là tính chủ
thể, là chính anh ta.
Luôn biết rằng cái chết có thể đến bất cứ lúc nào và sớm muộn gì thì ai
cũng sẽ chết là sự nhắc nhở vô cùng quan trọng để một người quyết định sử
dụng toàn bộ cuộc đời mình theo hướng nào, cũng như từng ngày, từng
khoảnh khắc.
Hãy hỏi, nếu ngày mai ta chết, ta có lo lắng, sợ hãi không ? Ta có tiếc nuối,
ân hận điều gì không ? Nếu ngày mai ta chết, tham vọng của ta, mục tiêu
của ta, con đường ta chọn để đi có còn ý nghĩa gì không ? Ta có luôn luôn
sẵn sàng chết một cách mãn nguyện bất cứ lúc nào ?
Phải chăng để chết một cách mãn nguyện bất cứ lúc nào, ta phải sống sao
cho mãn nguyện trong từng việc một, từng khoảnh khắc một ? Ta phải học
cách kết thúc trọn vẹn từng khoảnh khắc?
Nếu như ta lựa chọn sống theo cách mãn nguyện với mục tiêu nào đó
trong tương lai, thì có nghĩa bây giờ ta chưa mãn nguyện. Nếu cái chết đến
bây giờ, liệu có thể nào ta mãn nguyện ra đi ?
Chừng nào một người còn suy nghĩ và tin tưởng rằng, mình là một thực
thể độc lập, một chủ thể ra quyết định, thì việc lựa chọn hướng đi cuộc đời
mình, cách sống cuộc đời mình như thế nào, là cần thiết.
Để sống một cuộc đời mãn nguyện và chết mãn nguyện, sẵn sàng cho cái
chết bất cứ lúc nào, bạn phải sống mãn nguyện từng ngày, từng khoảnh
khắc. Và cách duy nhất để thực hiện một sự mãn nguyện như thế là yêu cuộc
sống như nó đang là. Đừng đặt điều kiện cho tình yêu của bạn. Khi nói yêu
cuộc sống như nó là, bạn đừng hiểu nhầm tôi. Tôi không có ý nói, xung đột,
chiến tranh đang xảy ra ở đâu đó, và tôi yêu xung đột, yêu chiến tranh; yêu
cuộc sống như nó là, không có nghĩa là thất nghiệp, đói khát đang hoành
hành và vì tôi yêu toàn bộ nên yêu cả thất nghiệp, yêu đói khát.
Không phải. Tình yêu có sự chấp nhận lớn lao không giới hạn. Với tình
yêu bạn chấp nhận cuộc sống như nó đang thế. Với tình yêu, bạn thừa nhận
sự thật đang diễn ra. Trong tình yêu, bạn thấy sự thật, thấy rõ những gì đang
diễn ra, có thể bạn đau đớn với những sự thật đang diễn ra. Cái đau đớn ấy
là đau đớn của tình yêu và trong tình yêu. Tình yêu thừa nhận sự thật, dung
nhiếp mọi đau đớn.
Trong tình yêu có lòng trắc ẩn, lòng thương xót. Với lòng trắc ẩn, lòng
thương xót đối với con người, bạn hành động. Hành động của bạn có thể là
giúp xóa đói giảm nghèo, chống chiến tranh. Hành động như thế không có
nghĩa là bạn đang đấu tranh, vật lộn với cuộc sống, chống lại cuộc sống. Bạn
hành động với động lực của tình yêu, hành động trong tình yêu.
Với tình yêu vô lựa chọn, với tình yêu toàn bộ cuộc sống, thừa nhận sự
thật, dung nhiếp sự thật, với lòng trắc ẩn của tình yêu, hành động của bạn
là sáng suốt. Với tình yêu toàn diện, cái nhìn toàn diện, hành động của bạn
là toàn diện. Với tình yêu phân biệt và lựa chọn, hành động của bạn nhất
định phiến diện.
Tuệ Nhiên