KHÔNG THÍCH NGHE LỜI THẬT LÒNG

Nhược điểm lớn nhất của con người chính là: Không thích nghe lời thật
lòng. Nếu ai đó hỏi, bạn có thích nghe sự thật không? Bạn sẽ trả lời ra sao?
Có người trốn tránh không muốn nghe, có người từ chối thẳng thừng,
cũng có người sẵn lòng lắng nghe. Khi bị người nào đó chỉ ra lỗi lầm, trong
lòng bạn sẽ không tránh khỏi cảm giác khó chịu, thậm chí còn nổi giận vì
điều này quá “nói trúng tim đen”.
Sự thật mếch lòng, đó là lý do khiến nhiều người không hề muốn nghe
lời thật lòng hoặc nhận xét công tâm về bản thân. Song thái độ đối với vấn
đề này cũng thể hiện một phần con người của bạn.
Sự thật mặc dù đau đớn, trần trụi nhưng không nên bài trừ nó, mà hãy
tiếp nhận bằng trái tim rộng mở. Chỉ như thế, chúng ta mới tiến bộ từng
ngày, nhìn nhận đúng cách chúng ta sống và đối xử với thế giới.
Biết nghe lời trần trụi cũng là cách sống thông minh
Có một câu chuyện ngụ ngôn kể rằng, từ xa xưa, “dối trá” và “sự thật”
cùng tắm trên cùng một dòng sông.
“Dối trá” tắm xong trước và mặc bộ quần áo của “sự thật” rồi đi mất,
nhưng “sự thật” không chịu mặc bộ quần áo của “dối trá”.
Sau này trong mắt mọi người chỉ có thể tiếp nhận những lời nói dối đội
lốt nói thật chứ khó mà chấp nhận được sự thật trần trụi “không mặc quần
áo” kia.
Bởi lẽ, trái tim con người vô cùng phức tạp. Nói thật thường làm mất lòng
người, cho nên bạn bè nói thật càng ngày càng ít, ai cũng nói tốt và lời hay ý
đẹp.
Người chỉ thích nghe điều tốt chẳng khác nào thích nói dối, mình nói dối
cũng ép người khác nói dối theo. Hỏi người khác: “Bạn cảm thấy tôi là người
như thế nào”. Câu trả lời lúc này có thể quyết định mối quan hệ có được bền

lâu hay không. Đương nhiên ở đây chúng ta đặt trong trường hợp người chỉ
thích nghe lời nói tốt, nếu với người dung dị và cầu thị thì mọi chuyện đã
không có vấn đề gì xảy ra.
Biết ca ngợi, biết khuyến khích người khác là một biểu hiện của người có
EQ cao. Nhưng không phải luôn khen ngợi thì được xem là biết cách cư xử.
Lắm lúc, người luôn ca tụng, khen ngợi bạn không xuất phát từ thật lòng,
mà là muốn lấy lòng bạn. Người dám nói ra những khuyết điểm của bạn,
mặc dù có nguy cơ phá hủy mối quan hệ, nhưng đây mới là người bạn thật
sự.
Kết giao với người không ngại chỉ ra những thiếu sót của bạn cũng là một
sự khôn ngoan và trí tuệ. Bởi lẽ bạn bè không nhất thiết lúc nào cũng phải
khen ngợi, nói tốt về nhau.
Người vui mừng khi được nghe những điều tốt đẹp về mình và chán ghét
khi nghe sự thật, tất cả đều đang sống trong sự dối trá và bị lừa dối. Chỉ
những ai có can đảm nhận phê bình, chê trách, dám đối mặt với khuyết điểm
thì mới có thể sửa chữa, hiểu đúng về mình, mới không bị nhiều sự bất ổn
trong thế giới ngoài kia quật ngã.
Không sống bằng suy nghĩ của người khác và đạt được sự tự do của tâm
hồn là cách sống của người trí tuệ.

GIẤC NGỦ QUA LỜI KHUYÊN CỦA HOA ĐÀ

Hoa Đà là một vị lương y nổi tiếng thời Đông Hán trong lịch sử Trung
Hoa, được xem như thần y, cũng là một trong những ông tổ của Đông y, do
đó cách trị bệnh của ông từ xưa đến nay luôn được nhiều người coi trọng.
Từ xưa đến nay, các chuyên gia sức khỏe bao giờ cũng khuyên con người
phải ăn, ngủ và làm việc điều độ, hợp lý. Nhưng đa số chúng ta lại thiếu
quan tâm đến chất lượng giấc ngủ vì cho đó là hoạt động sinh lý bình
thường.
Danh y Hoa Đà trong suốt quá trình chăm sóc bệnh nhân, ông đã đúc kết
ra 4 lời khuyên về giấc ngủ để giữ gìn sức khỏe.

  1. ĐIỀU THỨ NHẤT:
    ” Phải đi ngủ trước giờ Tý (từ 11 giờ đêm đến 1 giờ sáng) “
    Theo quan niệm dưỡng sinh tại Thiếu Lâm tự, giấc ngủ là một phần vô
    cùng quan trọng trong đời người. Nếu trước giờ Tý mỗi ngày không ngủ
    được, thì khi đi khám bệnh, rất nhiều lão tăng y sẽ nói: “Không chữa cho
    bạn”. Kỳ thực không phải là không chịu chữa trị, mà là. . . chữa không hết
    được.
    Tại sao nói như thế? Người mất ngủ thâm niên, bất luận là nam hay nữ
    thì gan đều đã trực tiếp bị tổn thương, lâu ngày sẽ tổn thương thận, dần dần
    tạo thành khí huyết của thân thể bị thiếu hụt, mỗi ngày khi soi gương sẽ cảm
    thấy sắc mặt xám xịt, không tốt.
    Đến lúc đó cho dù bạn mỗi ngày dùng sản phẩm chăm sóc da, các loại
    chất bổ, rèn luyện thân thể, cũng không thể bù đắp lại những tổn thương do
    ngủ chưa đủ hoặc là giấc ngủ không tốt.
    Vì vậy, dậy sớm thì không sao nhưng tuyệt đối không được ngủ trễ. Rất
    nhiều người tinh thần không phấn chấn, phần nhiều là do có thói quen ngủ
    muộn, thường dễ bị tổn thương gan, tổn thương mật, thiếu tinh lực.
    Người như vậy con mắt thường không tốt, tâm trạng thường bị ức chế,
    thời gian vui vẻ ít đi (khí trong phổi cũng chịu ảnh hưởng, là nguyên nhân
    của việc nhịp thở không ổn định liên tục trong khoảng thời gian dài). Có
    nhiều người cho rằng buổi tối ngủ trễ, ban ngày có thể ngủ bù, thực ra là
    không bù lại được, nếu như ngủ không được, ngủ không đủ thì còn tồi tệ
    hơn nữa, khí huyết thân thể sẽ bị hao tổn hơn phân nửa.
  2. Điều Thứ Hai:
    ” Khi ngủ không được suy nghĩ “
    “Xem như mình không có thân thể, hoặc như là người đang ở trong nước,
    hòa tan ngón chân cái trước, rồi đến các ngón chân khác, tiếp theo là bàn
    chân, bắp chân, đùi,… từng bước hòa tan, cuối cùng như không tồn tại, tự
    nhiên thiếp đi”. Đây chính là trạng thái tinh thần tốt khi thiền định đi vào
    giấc ngủ: “Tâm ngủ trước, mắt ngủ sau”.
    Nhiều lúc, nguyên nhân của mất ngủ là do lúc đi ngủ trong đầu có nhiều
    tạp niệm, những lúc như thế này không nên nằm trằn trọc trên giường, để
    tránh hao tâm tổn sức, lại khó chìm vào giấc ngủ, biện pháp tốt nhất là ngồi
    dậy một hồi rồi ngủ tiếp.
    Trên thực tế, con người ngày nay nếu muốn đi ngủ trước 11 giờ tối, thì
    chuyện bình ổn cảm xúc trước khi lên giường cũng rất quan trọng, tâm trạng
    cần có một khoảng thời gian từ từ trầm tĩnh lại. “Tâm ngủ trước, mắt ngủ
    sau”, chính là đạo lý này.
    Tâm ngủ trước, mắt ngủ sau, là cách tốt nhất để đi vào giấc ngủ.
    Nếu như vẫn chưa ngủ được thì trước khi ngủ bạn có thể thử thực hiện
    động tác gập bụng đơn giản, rồi ngồi xếp bằng tự nhiên hoặc ngồi kiết già
    trên giường, hai tay xếp chồng lên nhau đặt lên trên chân, hô hấp tự nhiên,
    cảm giác lỗ chân lông toàn thân nở ra khép lại theo nhịp thở, nếu có ngáp
    chảy nước mắt thì sẽ có hiệu quả tốt nhất, đến khi muốn ngủ liền ngã xuống
    ngủ.
  3. ĐIỀU THỨ BA:
    ” Buổi trưa nên ngủ một chút hoặc là ngồi im thư giãn dưỡng thần “
    Vào buổi trưa (từ 11 giờ sáng đến 1 giờ chiều), nếu không có đủ điều kiện
    để ngủ, bạn có thể ngồi im tĩnh lặng, nhắm mắt dưỡng thần 15 phút. Những
    Hòa thượng đều có thói quen chợp mắt vào buổi trưa bằng cách ngồi thiền
    tại phòng thiền.
    Kỳ thực, giữa trưa chỉ cần nhắm mắt thực sự ngủ 3 phút là bằng ngủ 2
    giờ, quan trọng là thời gian ngủ phải thích hợp là giữa trưa. Ban đêm nếu
    ngủ đúng giờ Tý thì 5 phút ngủ tương đương với 6 giờ.
  4. ĐIỀU THỨ TƯ:
    Dậy sớm có lợi cho sự trao đổi chất của cơ thể con người.
    ” Nhất định phải dậy sớm “
    Một ngày của nhà sư bắt đầu từ tiếng chuông đánh thức vào sáng sớm,
    cho dù vào mùa đông, cũng sẽ không thức dậy trễ hơn 6 giờ, vào 3 mùa
    xuân, hạ, thu thức dậy trước 5 giờ. Theo dưỡng sinh, dậy sớm có lợi cho sự
    trao đổi chất của cơ thể con người.
    Chỗ tốt của dậy sớm là có thể loại bỏ một số chất bẩn ra khỏi cơ thể, nếu
    thức dậy quá muộn, đại tràng (ruột già) không được hoạt động, không thể
    thực hiện tốt chức năng bài tiết.
    Ngoài ra, chức năng tiêu hóa của cơ thể con người hoạt động tốt nhất là
    vào buổi sáng từ 7 cho đến 9 giờ, là “khoảng thời gian hoàng kim” cho hấp
    thụ dinh dưỡng. Cho nên, rất không nên ngủ nướng, nguyên nhân gây ra
    tình trạng choáng váng, mỏi mệt đa phần là do tham ngủ.
    Những đúc kết của Hoa Đà cũng là những điều nổi bật trong phép tắc trị
    bệnh của Đông y: Bảo tồn được tam bảo của cơ thể Tinh-Khí-Thần là yếu tố
    để cơ thể hoạt bát, tươi tỉnh.

BIẾT THẢNH THƠI MỚI LÀ THỰC SỐNG

.. Toàn bộ xã hội được xây dựng hướng theo việc phục vụ cho công việc,
nó rất tham công tiếc việc. Nó không muốn bạn học cách thảnh thơi, cho nên
từ rất sớm bạn đã được huấn luyện để không được thảnh thơi.
Đừng hiểu lầm! Tôi không bảo bạn thảnh thơi cả ngày. Hãy làm công việc
của bạn nhưng hãy tìm ra những khoảng thời gian cho bản thân mình, và
thời gian cho bản thân bạn chính là ý nghĩa của thảnh thơi.
Khi bạn cho phép bản thân không bận tâm đến bất cứ gì khác, bất cứ ai
khác, thảnh thơi đó cánh cửa tới thiền.
Bạn sẽ ngạc nhiên, nếu bạn có thể dành ra 1-2 tiếng mỗi ngày để thảnh
thơi, nó sẽ cho bạn một sự sáng suốt rất sâu sắc. Giống như vũng nước đục
sau khi bị khuấy tung được phép thảnh thơi để bùn và bụi lắng xuống, đủ
thời gian, nước sẽ trở nên trong veo, sạch sẽ.
Cho phép bản thân thảnh thơi, bạn sẽ thu được sự sáng suốt và sự sáng
suốt này sẽ thay đổi hành vi của bạn ở bên ngoài nữa. Bạn sẽ trở nên bình
thản hơn, yên tĩnh hơn.
Sự bình thản này sẽ thay đổi phẩm chất công việc của bạn nữa, nó sẽ trở
nên nghệ sĩ hơn, duyên dáng hơn. Bạn sẽ thấy mình ít phạm sai lầm hơn do
bạn được bắt rễ sâu vào sự sáng suốt, vào trí huệ riêng của mình.
Thảnh thơi có quyền năng kì diệu.
Thảnh thơi không phải lười biếng. Người lười nhìn cũng có vẻ thảnh thơi
bên ngoài, nhưng bên trong – tâm trí người đó đang nghĩ về đủ thứ, làm đủ
việc và kể cả du hành rất xa xôi nơi họ đang ở hiện tại.
Người thảnh thơi thực sự không chỉ thân thể được thư giãn thảnh thơi
mà cả tâm trí của người đó nữa.
Tâm trí người đó cũng được thảnh thơi, ngừng hoạt động. Người đó chỉ
hiện hữu trong giây phút hiện tại. Tâm trí người đó cũng tận hưởng hiện tại.
Nó không du hành về quá khứ hay tương lai. Ngay cả trái tim của người đó
cũng được thảnh thơi.
Chỉ khi bạn thảnh thơi trên cả ba tầng này: thân thể, tâm trí, trái tim – thì
đó mới là thảnh thơi thực sự.
Thảnh thơi là tên gọi khác của thiền: buông thư, thư giãn, hiện hữu ở hiện
tại. Nếu như bạn có thể thảnh thơi, rất nhanh chóng bạn sẽ thấy thân thể của
bạn hồi phục, trái tim cũng hồi phục. Bạn có thể thấy thông minh của bạn
cũng được phục hồi. Bạn suy nghĩ thấu đáo hơn, nhìn sâu hơn vào bản chất
mọi sự, công việc của bạn cũng nhờ đó hồi phục rất nhanh.
Đỉnh cao của việc học kiến thức là sự hiểu biết.
Đỉnh cao của hiểu biết là sự khôn ngoan.
Đỉnh cao của khôn ngoan là sự thông tuệ.
Và đỉnh cao nhất của thông tuệ, là trí huệ.
Người trí huệ, kì lạ thay, lại là người rất ngây thơ & thảnh thơi!
Indian Guru
Namo Buddhaya

CHÂN MẠNG ĐẾ VƯƠNG

Ai mắc bệnh Gút thì hình như ít nhiều đều có “Chân Mạng Đế Vương”
cả! Bằng cớ là bệnh thường luôn bắt đầu từ dưới chân, ở ngón chân cái trước
rồi mới lan đi các nơi, và mặt khác, từ xa xưa, người ta cũng đã gọi Gút là
bệnh của Vua (maladie des rois). Lịch sử y học cũng đã ghi nhận Alexandre
le Grand, Charlemagne, Louis XIV… đều bị Gut!
Vua Chúa hay đi săn bắn, ăn thịt rừng, uống nhiều rượu nên dễ bị Gut.
Về sau, những người giàu có cũng hay mắc phải bệnh này do những bữa ăn
“Đạm-Bạc” đầy rượu thịt của họ (theo cách giải-thích bây giờ thì đó là những
bữa ăn nhiều ĐẠM và tốn bạc!) nên Gut cũng là bệnh của nhà giàu! (maladie
des riches).
Đau khủng khiếp! À không, nhức nữa,nhức khủng khiếp. À mà không
đúng, buốt nữa, buốt khủng khiếp. Đau. Nhức. Buốt.
Nhích qua nhích lại nhích tới nhích lui gì cũng đau cả. Chân sưng một
cục, nóng đỏ. Mất ngủ. Mất ăn. Vua cũng phải kêu Trời!
Tôi vừa bị một vố. Đau sưng ngón chân cái của bàn chân phải. Đúng
truyền thống: “Chân” của “Mạng Đế Vương” rồi còn gì! Nhưng oan quá, lâu
nay ăn uống cẩn thận mà, có săn bắn có nội tạng động vật gì đâu… Từ lâu
đã bỏ THỊT! Chỉ còn Rau, Cá, Củ, Quả! Chắc tại già. Già, Thận yếu, thải
không kịp độc chất chăng?
Độc chất ở đây là Acid Uric, sinh ra từ chuyển hóa Protein có chứa nhiều
Purin trong thức ăn. Acid Uric lắng đọng tạo thành muối Urat, quyện quanh
và chèn vào giữa các khớp, đại khái như cho cát vào các khớp xe rồi nổ máy,
rồ ga cho nó chạy vậy!
Các thức ăn chứa nhiều purin là thịt rừng, hải sản, kèm với bia rượu, dzô
dzô 100% thì dễ có “Chân Mạng Đế Vương” lắm vậy. Lúc còn trẻ, còn khỏe
thì Thận tốt, thải độc rất nhanh, nhưng vẫn tích tụ đó, chờ có tuổi, sinh sự!
Gút có thể dẫn tới biến dạng bàn chân bàn tay với những u, những cục,
những hòn, đúng là “Lục-cục lòn-hòn”… lổn nhổn làm hạn chế cử động và
đau nhức kinh niên!
Thuốc trị Gút thì đã có, nhưng nhiều thứ có hại, thứ thì gây loét bao tử
(dạ dày), làm mục xương, hội chứng cổ trâu, tăng huyết áp (Cushing), thứ
thì gây nhiều tác dụng phụ, tương tác thuốc tùm lum nên cần có Hướng-
Dẫn của Bác-Sĩ!
Nghe tôi bị Gút, các bạn đồng nghiệp, học trò… hỏi thử máu chưa? Uống
thuốc chưa? Rồi đem cho mấy thứ! Ông bạn nhà thơ từ bên Mỹ cũng gởi
mấy bài thơ bảo đọc đi cho mau khỏi bệnh. “Tiếng còi xe lửa ôi ồn quá, anh
giụi vào em mái tóc thề, Huế của em đây, trong mái tóc, em thơm lừng ôi
em hương quê! Em của anh à, em của anh… Nắng hình như làm lá thêm
xanh, nắng hình như làm môi em đỏ, nắng hình như mắt em long-lanh…”
(TVL). Có bạn còn kêu đọc thần chú, niệm Nam mô… Có bạn bên trời Tây
viết “…Ở Thế-Kỷ 21 này mà không có cái gì làm cho người ta không bị ‘Đau
nhức kinh-khủng’ sao? Ở bên Mỹ họ có cái thuốc ‘Painkiller’ (Sát-Sanh kiểu
này thì chắc không có tội!), có Hữu-Hiệu không?”. Dĩ nhiên là hữu hiệu,
nhưng tạm thôi, không dứt hẳn được, lại cũng sinh lắm biến chứng, Sideeffects.
Còn cái “Painkiller” này có sát sanh không ư? Thì… có! Bởi cái “Pain”
này hẳn phải do nhiều yếu tố hợp thành, do duyên sanh cả đó thôi, nên chắc
chắn cũng là một thứ “Chúng Sanh”! Tốt nhất là làm sao cho nó “Vô Sanh”
thay vì “Kill” nó!
Nghĩ lại, đúng là có chuyện “Duyên Sanh” thiệt. Mấy ngày trước ăn nhiều
cá thu quá! Cá thu chiên, cá thu xốt cà, cá thu kho, cá thu “Muối Sư”… (do
mấy bà chị ở quê thương tình, mang cho). Mình lại quên cá thu có rất nhiều
Purin! Vậy là đáng đời! Tôi nhất định không uống thuốc, “Để xem con Tạo
xoay vần đến đâu!”. Tôi hiểu cơ thể phải có một cơ chế “Sưng nóng đỏ đau”
(viêm) nào đó để chống bệnh, nếu dùng thuốc kháng viêm chẳng hóa ra triệt
tiêu mất cái cơ chế tự nhiên rất quý này của cơ thể sao? Vậy, chuyển hẳn
qua ăn rau củ quả xem sao? Có hiệu nghiệm! Thế nhưng nghe có bạn chỉ ăn
toàn đậu với đậu mà cũng bị Gút Cấp-Tính! Thì ra các thứ đậu cũng có nhiều
Purin, đậu nành, đậu xanh, đậu phộng, đậu Hoà-Lan… kể cả hạt Điều! Ăn
vừa vừa thôi thì không sao! Các loại thịt rừng, nội tạng động vật (Thận, Tim,
Gan, Pâté Gan, Xúc-Xích…) và các loại hải sản như cá thu, cá hồi, tôm hùm…
đều chứa rất nhiều Purin cần tránh!
Qua ngày thứ ba thì bớt đau, bớt sưng, nhưng mất cả tuần mới bình phục
hẳn! Dĩ nhiên đây chỉ là một cơn Gút Cấp-Tính, không cẩn thận thì tái phát
như chơi và trở thành kinh niên!
Hay quá, Rau, Trái, Sữa, Yaourt, Fromage, Kem… Trà, Cà-phê đều rất ít
Purin!
Ngẫm lại, nếu ai có cái «Chân Mạng Đế Vương» thì Nên Từ Bỏ Sớm!!!
BS Đỗ Hồng Ngọc