TỪ BI PHẢI CÓ UY NGHIÊM, NHẪN NẠI PHẢI CÓ CHỪNG MỰC

Làm kiếp người ở thế gian, nếu quá thiện lương thì dễ bị lợi dụng, nếu
quá khoan dung thì dễ bị bắt nạt. Trời đất vốn có đạo trung dung, vậy nên
tất cả mọi thứ trên đời – kể cả thiện và nhẫn cũng cần cân bằng cho vừa đủ.

  1. TỪ BI PHẢI CÓ UY NGHIÊM
    Tích xưa có kể; Tăng Quốc Phiên là một vị văn sĩ, từ bé ông đã được giáo
    dục bằng triết lý của Nho gia nên khi lớn lên, ông rất mực nhân từ và coi
    trọng phẩm hạnh. Dù xuất thân là văn sĩ nhưng Triều đình lại cất nhắc ông
    làm một vị võ tướng, quanh năm dẫn quân chinh chiến dẹp loạn.
    Trên chiến trường ác liệt; ông vẫn giữ nguyên thiên tính tốt đẹp của mình,
    lấy thiện đãi người và từ bi với vạn vật. Với người tốt thì ông nâng đỡ, với
    kẻ xấu ông vẫn độ lượng khoan dung. Nhưng sự dã tâm của quân thù đâu
    phải vì ông tha mạng cho chúng mà chúng sẽ không tàn sát quân của ông.
    Điều này đã khiến Tăng Quốc Phiên vô cùng phiền não.
    Thấy vậy, một người bằng hữu vào sinh ra tử trên chiến trường đã nói
    với ông rằng:
    “Hãy giữ cho mình tấm lòng từ bi như Bồ Tát, nhưng khi gặp kẻ thập ác
    bất xá thì phải quyết liệt và uy nghiêm như sấm sét, tuyệt đối không được
    dung tha”.
    Nghe xong, Tăng Quốc Phiên như bừng tỉnh. Về sau, ông đã lấy câu nói
    ấy của vị bằng hữu để nhắc nhở mình quy chính lại sự thiện lương chân
    chính.
    Từ bi là cảnh giới của Thần Phật; nhưng ngay cả các đấng sinh mệnh tối
    cao cũng có “Nộ mục Kim Cang”. Thần Phật cũng chỉ cứu độ những người
    xứng đáng và còn có tâm ngộ đạo. Đồng thời; các ngài trừng trị cái ác và đề
    cao cái thiện, tuyệt đối bất dung với những kẻ không điều ác nào không dám
    làm.
    Chính vì vậy; lương thiện và từ bi thì cũng cần phải có uy nghiêm. Đừng
    bao giờ nhân danh từ bi mà biến mình thành kẻ dung túng cho cái ác.
  2. NHẪN NẠI PHẢI CÓ CHỪNG MỰC
    Xưa kia, có một học trò từng hỏi đức Khổng Tử:
    “Thưa Thầy, có thể lấy Đức báo oán được không?”.
    Khổng Tử đã từ tốn mà trả lời rằng:
    “Vậy thì lấy gì mà báo Đức? Hãy lấy sự ngay thẳng chính trực mà báo
    oán, và lấy Đức mà báo Đức”.
    Như vậy, Khổng Tử đã trả lời rất nhân văn và rất có đạo lý cho câu hỏi
    mà đến nay vẫn còn nguyên tính thời sự.
    Đại ý ông cho rằng, nếu ai đó làm tổn hại đến bạn nhưng bạn lại lấy đạo
    đức để cảm hoá thì chưa chắc người đó đã hiểu được bạn đang làm gì, vì
    giữa họ và bạn không cùng một cảnh giới. Vì vậy, đối với những người xấu
    làm tổn thương bạn, hãy ngay thẳng chỉ ra điều sai chứ đừng mãi im lặng
    rồi dung túng cho họ.
    Hãy thử tưởng tượng, bạn sẽ không bao giờ biết được cảm giác bị kim
    châm đau đến thế nào nếu bạn chưa bao giờ nếm trải. Thuận theo cái lý này,
    hãy để cho kẻ xấu trải nghiệm khổ đau thì họ mới thật sự nhận ra cái sai và
    thành tâm sám hối.
    Đừng ngại rằng điều đó sẽ làm bạn xấu dần đi, chỉ cần việc bạn làm xuất
    phát từ cái thiện tâm chân chính, mong muốn giúp họ tốt hơn chứ không
    phải cố tình phương hại họ là được rồi.
    Làm người mà sống biết trước biết sau, cương nhu hợp lúc, nhẫn nại đúng
    mực thì quả là may mắn. Chính vì vậy hãy ghi nhớ những điều sau:
    – Khi đang yên bình thì không khuấy động thị phi; nhưng khi gặp rắc rối
    thì bình thản đối diện.
    – Không vì sợ hãi mà trốn tránh sự thật hay im lặng cho qua chuyện, đó
    không phải là sự nhẫn nại chân chính mà chỉ là mua cảm giác an toàn cho
    bản thân mình.
    – Lúc cần từ chối thì tuyệt đối không mềm lòng, lúc cần nhượng bộ thì
    phải hết mực khoan dung.
    Viên Minh biên dịch.
    Nguồn: Secretchina

CHIẾC ĐỒNG HỒ LƯƠNG TÂM !

Cách đây hơn năm mươi năm, hồi tôi học trung học, đồng hồ đeo tay còn
là thứ xa xỉ phẩm khan hiếm.
Một hôm, thằng bạn cùng bàn sắm được một chiếc đồng hồ mới toanh;
nó đeo đồng hồ rồi xắn tay áo lên trông thật oách làm sao, khiến cả lớp phục
lăn.
Chỉ vài hôm sau đã thấy mấy thằng khác cùng lớp đua nhau sắm đồng
hồ đeo tay. Ngay cả trong giấc mơ tôi cũng ao ước được như chúng nó: sắm
một chiếc đồng hồ để mọi người trông thấy mà thèm.
Hôm chủ nhật, tôi về nhà chơi. Lấy hết lòng can đảm, tôi nói với mẹ:
-“Mẹ ơi, con muốn mua một cái đồng hồ đeo tay, mẹ ạ !”
Mẹ tôi trả lời:
-“Con này, nhà mình đến cháo cũng sắp sửa chẳng có mà ăn nữa, lấy đâu
ra tiền để sắm đồng hồ cho con ?”
Nghe mẹ nói thế, tôi rất thất vọng, vội quáng quàng húp hai bát cháo rồi
chuẩn bị về trường. Bỗng dưng bố tôi hỏi:

  • “Con cần đồng hồ làm gì thế hả ?”
    Câu hỏi của bố nhen lên một tia hy vọng trong lòng tôi. Rất nhanh trí, tôi
    bịa ra một câu chuyện:
  • “Hồi này lớp con đang học ngày học đêm để chuẩn bị thi đại học, vì là
    lớp cuối nên bây giờ chúng con lên lớp không theo thời khoá biểu của
    trường nữa, cho nên ai cũng phải có đồng hồ để biết giờ lên lớp.”
    Nói xong, tôi nôn пóпg chờ bố trả lời đồng ý; thế nhưng bố tôi chỉ ngồi
    xổm ngoài cửa chẳng nói câu nào.
    Trở về ký túc xá nhà trường, tôi chẳng còn dám nằm mơ đến chuyện sắm
    đồng hồ nữa. Thế nhưng chỉ mấy hôm sau, bất chợt mẹ tôi đến trường, rút
    từ túi áo ra một túi vải hoa con tý rồi mở túi lấy ra một chiếc đồng hồ mác
    Seiko mới toanh sáng loáng.
    Tôi đón lấy nó, đeo ngay vào cổ tay, trong lòng trào lên một cảm giác lâng
    lâng như bay lên trời. Rồi tôi xắn tay áo lên với ý định để mọi người trông
    thấy chiếc đồng hồ của mình.
    Thấy thế, mẹ tôi liền kéo tay áo tôi xuống rồi bảo:
  • “Con này, đồng hồ là thứ quý giá, phải lấy tay áo che đi để giữ cho nó
    khỏi bị sây xước chứ ! Con nhớ là tuyệt đối không được làm hỏng, lại
    càng không được đánh mất nó đấy ! Thôi, mẹ về đây.”
    Tôi tiễn mẹ ra cổng trường rồi hỏi:
  • “Sao nhà mình bỗng dưng lại có tiền thế hở mẹ ?”
    Mẹ tôi trả lời:
  • “Bố mày bán máu lấy tiền đấy !”
    Bố đi bán máu để kiếm tiền mua đồng hồ cho tôi? Trời ơi! Đầu óc tôi quay
    cuồng, ngực đau nhói. Tiễn mẹ về xong, tôi tháo chiếc đồng hồ ra, bọc kỹ
    mấy lớp vải như cũ cất vào cái túi con tý mẹ đưa.
    Ngay hôm ấy, tôi hỏi thăm các bạn xem có ai cần mua đồng hồ mới không.
    Các bạn hỏi tôi tại sao có đồng hồ mà lại không đeo, tôi bảo tôi không thích.
    Họ chẳng tin, cho rằng chắc hẳn đồng hồ của tôi có trục trặc gì đấy, vì thế
    chẳng ai muốn mua nó.
    Cuối cùng tôi đành phải nhờ thầy phụ trách lớp giúp tôi tìm người mua
    đồng hồ và thành thật kể lại đầu đuôi câu chuyện cho thầy nghe, vừa kể vừa
    nước mắt lưng tròng.
    Thầy chủ nhiệm nghe xong bèn vỗ vai tôi và nói:
  • “Đừng buồn, em ạ. May quá, thầy đang cần mua một chiếc đồng hồ
    đây, em để lại nó cho thầy nhé!”
    Thầy trả tôi nguyên giá, còn tôi thì dùng số tiền đó nộp hai tháng tiền ăn
    ở nhà ăn tập thể. Có điều khó hiểu là sau đó chưa bao giờ tôi thấy thầy đeo
    đồng hồ cả. Mỗi lần tôi hỏi tại sao thì thầy chỉ cười không nói gì.
    Về sau tôi thi đỗ đại học rồi ra trường và làm việc ở một tỉnh lỵ xa quê.
    Câu chuyện chiếc đồng hồ kia cứ mãi mãi đeo bám ám ảnh tôi.
    Trong một dịp về quê thăm gia đình, tôi tìm đến nhà thầy phụ trách cũ
    và hỏi chuyện về chiếc đồng hồ ấy. Thầy tôi bây giờ đã già, tóc bạc hết cả.
    Thầy bảo:
    – “Chiếc đồng hồ vẫn còn đây.”
    Nói rồi thầy mở tủ lấy ra chiếc túi vải hoa nhỏ xíu năm nào mẹ tôi đưa
    cho tôi. Thầy mở túi, giở từng lớp vải bọc, cuối cùng chiếc đồng hồ hiện ra,
    còn mới nguyên !
    Tôi kinh ngạc hỏi:
  • “Thưa thầy, tại sao thầy không đeo nó thế ạ ?”
    Thầy từ tốn trả lời:
  • “Thầy đợi em đến chuộc lại nó đấy !”
    Tôi hỏi tiếp:
  • “Thưa thầy, vì sao thầy biết em sẽ trở lại xin chuộc chiếc đồng hồ ạ?”
    Thầy bảo:
  • “Bởi vì nó không đơn giản chỉ là chiếc đồng hồ, mà điều quan trọng
    hơn, nó là lương tâm của một con người.
    Sưu tầm

BỐ CHO CON CÁI GÌ?

“Con không đi cái xe đấy đâu, xấu hổ lắm, bạn bè con toàn đi xe ga, mẹ
mua xe ga con mới đi….”
Câu chuyện của hai mẹ con cự nự nhau sau lưng trong quán cafe trưa nay
làm tôi bất giác có một chút buồn, nhưng rồi lại chợt cảm thấy ấm lên một
niềm vui khi nghĩ về một câu chuyện tương tự của bố con tôi hơn 10 năm về
trước.
“Bố cho con cái gì?” –
Nhớ một thời trẻ trâu, tôi đã có đủ “dũng cảm” hỏi cha mình câu đó, lần
đầu tiên và cũng là duy nhất. Đó là một ngày không lâu sau khi nhận tin đỗ
vào đại học. Một cuộc trò chuyện rất nghiêm túc và thẳng thắn giữa hai
người đàn ông.
Bố tôi trả lời một cách không thể bình thản hơn “Bố mẹ bố cho bố cái gì,
bố sẽ cho lại con cái đó: một lý lịch trong sạch để con không bao giờ phải xấu
hổ về bố và một sự giáo dục tốt nhất trong khả năng của mình. Con có khả
năng học đến đâu bố sẽ hỗ trợ đến đó. Hết”
Tôi, hơi sốc, nhưng vẫn nghĩ đó chỉ là câu nói “lên dây cót” cho chàng sinh
viên mới. Và rất tiếc là bố tôi chẳng đùa, bố hành động rất thật theo đúng
những tuyên bố đấy. Bố tính toán rất kỹ và cho tôi một khoản tiền trợ cấp
300 nghìn/ tháng trong suốt những năm học đại học. Tiền học phí học kỳ
đầu tiên được cho, từ học kỳ thứ 2 tôi tự kiếm được nên tự động không xin
nữa. Bất kể những năm sau khi tôi kiếm được nhiều tiền hơn gấp nhiều lần
thì khoản trợ cấp đấy vẫn được duy trì cho đến khi tốt nghiệp, nhận bằng là
cắt tiền.
6 năm tôi đi học ở nước ngoài, bố không phải lo cho tôi một đồng nào.
Với tôi, bố luôn là Napoleon còn tôi chỉ là một anh binh nhì. Nhưng ít nhất
tôi luôn coi đó như một chiến công nho nhỏ của riêng mình.
Bố tôi rất hay, luôn phân định rất rõ ràng: “Đây là nhà của bố nhé, đây là
xe của bố nhé. Và con đang… ở nhờ và đi nhờ. Không hài lòng hả, quyền đi
bộ… luôn thuộc về con”.
Nếu nhờ tôi giúp việc gì không nằm trong trách nhiệm của con cái, thay
vì thuê người ngoài, bố sẽ thuê tôi làm và trả tiền rất sòng phẳng, không
quên thể hiện là một khách hàng khó tính. Không tự ái, không phiền lòng,
tôi biết rõ mình chỉ có một con đường nếu muốn có ngôi nhà riêng của mình:
tự mua. Cũng có người nghe thấy và thắc mắc cái kiểu nói ấy: “Nhà của bác
thì sau này không của nó thì của ai, sao bác lại nói thế…”. Và bố tôi chỉnh
ngay: “Của tôi chứ, nếu nó không cố gắng, tôi sẽ cho từ thiện”.
Bố tôi thì chẳng giàu như Bill Gates, nhưng dám làm như Bill Gates thì
tôi tin là làm thật.
Bữa ăn ít người của nhà tôi luôn có những câu chuyện về các loài vật,
những câu chuyện được lặp đi lặp lại, được kể lúc này lúc khác.
Bố hay nói chuyện: Con gà con đến tuổi tự kiếm ăn, gà mẹ sẽ đuổi chạy
chí chết nếu gà con cố đến gần hoặc đi theo. Hay câu chuyện về loài đại bàng:
Đại bàng con sẽ được mẹ nuôi mớm trong tổ đến khi đủ lông đủ cánh, và
sau đó nó sẽ cắp con bay lên đỉnh núi thật cao và thả xuống. Con nào chịu
đập cánh vào không trung và bay đi thì sống và bắt đầu cuộc đời mới, con
nào không tự bay được thì sẽ tự rớt xuống và vực thẳm sẽ chờ ở dưới. Quy
luật tự nhiên là vậy, và con người là một phần của tự nhiên, nên cũng không
là ngoại lệ. Mùi răn đe trong những câu chuyện thơm nức suốt những năm
tháng tuổi thơ tôi.
Sự hào phóng không đúng chỗ của bố mẹ khiến con trở thành đứa trẻ yếu
ớt, ỷ lại.
Những điều tôi kể trên đây với nhiều người, nhiều ông bố bà mẹ có lẽ là
những điều ngược đời, tuy nhiên, bước một bước ra bên ngoài thế giới, tôi
thấy mình hóa ra không phải ngoại lệ. Phần đông các gia đình phương Tây
đều như vậy, trái ngược hoàn toàn với những gì chúng ta thấy ở phương
Đông. Sự phân định rất rõ ràng giữa trách nhiệm, tình thương, và sự nuông
chiều làm cho con người ta không thể tìm thấy nổi một khoảnh khắc của sự
ỷ lại hay trông chờ vô lý ngay từ khi bước vào đời.
Bạn không có tiền học đại học? Được thôi, hãy vay đi rồi sau này tự trả.
Các bạn nước ngoài của tôi rất nhiều người chọn giải pháp như vậy, mặc dù
rất nhiều bạn có bố mẹ trên cả giàu và luôn sẵn sàng tài trợ.
Sự hào phóng không đúng chỗ của rất đông các ông bố bà mẹ Việt giống
như bà mẹ trong câu chuyện lúc đầu của tôi đang để lại cho đất nước những
thế hệ yếu ớt, không có khả năng sống độc lập và tự trọng với chính người
thân của mình.
Họ nghiễm nhiên cho mình cái quyền được xin xỏ, được vòi vĩnh, được
lạm dụng vô hạn tình yêu thương của cha mẹ……và các vị phụ huynh thì
vẫn cứ tin tưởng trong sai lầm rằng để cho con kém bạn kém bè ngay cả khi
chúng đã trưởng thành là không tròn trách nhiệm cha mẹ.
Ở nước mình, cái vòng luẩn quẩn ấy biết khi nào mới thôi? Cố gắng có
của cải để mà cho con đã là khó, nhưng cố gắng để có của cải mà vẫn không
cho thì còn khó gấp vạn lần. Nghe có vẻ trái với quy luật của tình cảm con
người, nhưng đó là một sự ngược chiều cần thiết. Điều đó có lẽ thuộc về bản
lĩnh của nghề làm cha mẹ.
Rất nhiều lúc tôi đã tự hỏi mình “Vậy sau cùng, bố sẽ cho mình cái gì
nhỉ?”
Và mười năm sau cuộc nói chuyện sòng phẳng đấy, vào lúc tôi tự mua
được căn nhà và chiếc xe hơi đầu tiên của riêng mình mà chẳng phải xin xỏ
gì bố, tôi mới thấu hiểu hết tình thương vô bờ bến và gia tài vô giá mà Bố đã
để dành cho riêng tôi mấy chục năm nay.
Cho lòng tự trọng và tinh thần tự lực đã là cho tất cả rồi.
NGUỒN: NHỮNG CÂU CHUYỆN NHÂN VĂN