LỜI KINH TRONG LÒNG BÀN TAY

“Nếu một người trong lòng đã bình yên thì cuộc sống ngoài kia cũng sẽ
bình yên”.(1)

  1. Khi không đủ khả năng thu xếp những ngổn ngang trong lòng, chúng
    ta sẽ thấy cả thế giới này thật bề bộn.
    Khi đôi mắt trở nên dửng dưng vô cảm, khi đôi tay không còn hơi ấm, khi
    không còn nói được một lời chân thành, nghĩa là trái tim bên trong đã bắt
    đầu chai cứng lại; và lời nói, đôi tay, ánh mắt ấy sẽ tương tác với cuộc sống
    chung quanh rồi tạo ra một môi trường sống cho chính mình.
    Tất cả những cảm xúc bên trong, dù cố kiềm nén đến đâu, dù cố che giấu
    thế nào, cuối cùng cũng sẽ thể hiện thành một thực tại bên ngoài.
    Trạng thái tâm lý bên trong sẽ ảnh hưởng đến cách chúng ta nhìn nhận
    và trải nghiệm cuộc sống hàng ngày; cách chúng ta đã sống một ngày như
    thế nào, có thể, chúng ta cũng sẽ sống một đời như thế đó.
  2. Mặt sông sẽ ồn ào hẳn lên khi trong lòng sông có những tảng đá ngầm.
    Đá ngầm làm tăng tốc độ dòng chảy, tạo thành sóng và những xoáy nước,
    rồi tạo ra âm thanh lan tỏa ra khắp mặt sông. Khi nghe thấy tiếng ồn từ mặt
    sông, dù không nhìn thấy, nhưng ai cũng biết dưới đáy sông đang có những
    tảng đá ngầm.
    Khi đáy sông bằng phẳng, mặt sông sẽ bình yên.
    Khi trong lòng tĩnh lặng và bằng phẳng, cuộc sống của chúng ta cũng sẽ
    bình yên.
    Không có cách nào có thể giúp dòng sông trở nên tĩnh lặng, trừ khi nhặt
    bỏ những tảng đá ngầm đang tồn tại dưới đáy sông.
    Chúng ta không thể thay đổi được những gì đang diễn ra chung quanh
    mãi đến khi chúng ta quyết tâm thay đổi bên trong chính mình.
  3. Nhiều người luôn khát khao có được thứ phép thuật có thể biến đổi
    cuộc sống chung quanh mình thành bình yên, nhưng họ không biết ngay bên
    trong bản thân mình đã có được thứ phép thuật đó.
    Khổ đau là một công việc bên trong, nên bình yên cũng là một việc của
    bên trong.
    Mong người luôn an.
    Vô Thường.
    Núi.3.4.2024
    Om Mani Padme Hum

[1] Hán văn: 若有比丘寂靜於內則外寂靜! Dòng 20-21, khung thứ 3,
trang 144, bộ kinh mang mã số 0310 (大寶積經), tập 11 Đại Chính.